TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Bộ Công Thương cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi Qũy bình ổn giá xăng dầu đã cạn, thậm chí âm tại một số công ty lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, nếu không điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối vói mặt hàng xăng dầu, thì dư địa để kiềm chế giá xăng dầu sẽ không còn.
Theo TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, một số quốc gia trong khu vực cũng đang nỗ lực hạ nhiệt giá mặt hàng xăng dầu bằng cách giảm các sắc thuế. Ví dụ như Thái Lan và Lào đang áp dụng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu trong thời gian 3 tháng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để hạ nhiệt giá xăng không thể trông chờ vào quỹ bình ổn giá xăng dầu, mà phải tính toán các biện pháp cao hơn như giảm từ 10-30% các loại thuế phí cấu thành vào giá xăng.
Theo ông Thịnh, nếu cân đối được các khoản thu chi ngân sách, việc giảm thuế có thể tác động giúp các ngành kinh tế phục hồi tốt hơn, giúp thu ngân sách tốt hơn. Nhất là việc mạnh dạn cắt giảm các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, việc giảm thuế nhiên liệu sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát.
Bộ Tài chính cho biết, ngày 28/7 Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về phương án giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại Việt Nam, theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Nhà nước chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
Theo Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,...), ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hoá thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...). Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bên cạnh đó, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Tại Khoản 4 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn như sau: “4. Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;...”
Bộ Tài chính cũng cho biết pháp luật thuế giá trị gia tăng không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng mà chỉ quy định áp dụng thuế giá trị gia tăng theo hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng với 3 mức thuế suất, trong đó quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại. Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế giá trị gia tăng 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Do đó, về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị tăng thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay.
Bộ Tài chính cũng khẳng định trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng vẫn đứng ở mức cao, Bộ đã khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách khác về thuế để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh năng lượng.
Theo đó, từ 11/7 thuế bảo vệ môi trường, đã giảm xuống mức sàn trong khung mức thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, dầu diesel từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít, mỡ nhờn từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg, dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) đối với xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%.
Bộ Tài chính dự kiến khi ban hành chính sách này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tạo cơ hội tiếp cận nguồn cung mới cho các doanh nghiệp nhập khẩu thay vì phụ thuộc vào nguồn xăng từ Hàn Quốc hay các nước trong ASEAN; Qua đó ổn định thị trường xăng dầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
“Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ký ban hành”, Bộ Tài chính cho biết.
Song theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, giảm thuế chỉ là một trong nhiều giải pháp để giảm giá xăng dầu. Để giảm giá xăng dầu hiệu quả phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Việc giảm thuế phải tính đến những ảnh hưởng khác như buôn lậu xăng dầu, phải thúc đẩy nguồn cung, nâng công suất 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn để đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước.
Trước đó, ngày 25/7, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu và báo cáo trước ngày 30/7.
Từ 15h ngày 1/8, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 450 đồng/lít còn 24.620 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 470 đồng/lít còn 25.600 đồng/lít. Lũy kế một tháng qua, xăng RON 95 đã giảm hơn 7.160 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 6.270 đồng/lít; dầu diesel giảm 6.510 đồng/lít...
Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 24.500-25.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.