Gian lận xuất xứ có thể làm phát sinh các tranh chấp thương mại lớn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cảnh báo nguy cơ này trong bối cảnh các hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng để hưởng ưu đãi thuế quan.

Tại cuộc họp với các Cục, Vụ triển khai Đề án "Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" sáng 9/7, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đằng sau tốc độ tăng trưởng thương mại vào các thị trường, những mặt hàng tăng trưởng nóng trong năm 2019 là những vấn đề cần lưu ý liên quan đến hành vi gian lận xuất xứ sản phẩm.

"Ở góc độ tích cực, tăng trưởng xuất khẩu làm tăng quy mô xuất khẩu, giúp đạt mục tiêu xuất khẩu. Nhưng góc độ khác liên quan đến tính bền vững của các ngành hàng. Hàng loạt các nhóm ngành hàng xuất khẩu sang EU, Mỹ... tăng trưởng mạnh thời gian qua, có ngành hàng tăng 2 con số trong nhiều năm liền như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử... nhưng có hiện tượng lẩn tránh phòng vệ thương mại, thậm chí gian lận xuất xứ", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý.

Video Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảnh báo nguy cơ của những hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ:

Theo Bộ trưởng, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cho Việt Nam lợi thế cao về ưu đãi thuế quan và điều kiện tiếp cận thị trường, nhưng cùng với đó là câu chuyện lợi dụng ưu đãi thuế quan để gian lận xuất xứ.

Báo cáo rõ hơn về thực trạng này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Hoa Kỳ và EU là những thị trường dễ phát sinh các trường hợp gian lận thương mại. Mặc dù các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực cảnh báo nhưng nguy cơ lẩn tránh phòng vệ thương mại vẫn gia tăng. Hành vi lẩn tránh rất phổ biến, đa dạng trong thương mại quốc tế với quy mô khác nhau như doanh nghiệp chuyển toàn bộ quy mô hay chuyển một phần công đoạn sản xuất sang Việt Nam.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi này là chênh lệch giữa thuế ưu đãi và thuế thông thường. Các nước cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm của mình. Chế tài xử phạt với gian lận xuất xứ, ghi sai chứng nhận xuất xứ (C/O) còn nhẹ.

"Để triển khai đề án của Thủ tướng về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, trước ngày 15/7, Cục Phòng vệ thương mại sẽ trình Bộ trưởng kế hoạch hành động của Bộ Công Thương. Việc triển khai đề án cần tập trung vào nhóm mặt hàng xuất khẩu tăng nhanh như gỗ, sản phẩm từ gỗ, dệt may, da giày, thép, nhôm… sang các thị trường trọng điểm như Mỹ và Canada", ông Dũng cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, vấn đề chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ không mới, vấn đề là thời điểm này bị đẩy lên một tầm mới. Đặc biệt với thị trường Mỹ, thời gian gần đây nổi lên nhiều hành vi gian lận.

Ông Dương dẫn chứng số liệu thống kê quý I, tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ (theo số liệu của Mỹ) tăng 33,4%, 5 tháng đầu năm tăng 31%. "Với mức tăng trưởng xuất khẩu như vậy, cần lưu tâm có đúng hàng Việt Nam không hay có dấu hiệu gian lận xuất xứ, lẩn tránh phòng vệ thương mại", ông Dương hoài nghi.

Thực tế, ngày 2/7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Vụ việc này được phía Mỹ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018, sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc từ năm 2016. Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng đối với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Hồng Dương đề nghị: Cần có cơ chế phối hợp trong chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ giữa các Bộ ngành và địa phương trong cấp C/O và kiểm tra chặt chẽ. Tăng nặng chế tài cũng sẽ giúp hạn chế đáng kể các hành vi gian lận, hiện chế tài chưa đủ mạnh để các đối tượng không dám nghĩ đến gian lận hay làm giả C/O.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương họp với các Cục, Vụ triển khai Đề án được Thủ tướng phê duyệt.

Tình trạng gian lận xuất xứ không chỉ xảy ra đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu mà hàng hóa trong nước cũng có hiện tượng giả mạo xuất xứ để đánh lừa người tiêu dùng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, hiện có tình trạng hàng hóa viết xuất xứ Việt Nam, in nhãn mác Việt Nam nhưng thực tế lại là hàng từ biên giới chuyển về. Qua kiểm tra thì thấy có một số mặt hàng như rau củ quả, thực phẩm, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em... giả mạo xuất xứ Việt Nam.

"Đây là hành vi gian lận xuất xứ mới, gắn xuất xứ Việt Nam để dễ bán. Phương thức làm giả ngày càng tinh vi. Chế tài xử lý với hàng không phải hàng Việt Nam mà gắn mác "made in Vietnam" như thế nào hiện cũng chưa rõ, chúng tôi đang phải xử vòng sang các hành vi vi phạm khác, vì thế thời gian tới phải hoàn thiện hệ thống pháp luật", ông Linh đề nghị.

Để thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” do Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ là triển khai quyết liệt các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ. Các Cục, Vụ phải phối hợp triển khai. Để triển khai tốt đề án, phải xây dựng ngay kế hoạch hành động. Bộ trưởng đề nghị Cục Phòng vệ thương mại phải tiếp thu ý kiến các đơn vị để đưa vào kế hoạch.

"Kế hoạch hành động do Cục Phòng vệ thương mại xây dựng phải nêu rõ được cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và các Bộ ngành khác như Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ, VCCI... Có sự chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến việc cấp và kiểm tra C/O, chống gian lận xuất xứ. Thành lập tổ công tác do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Bộ trưởng đề nghị cần lưu ý đến việc chuyển dịch đầu tư để được hưởng lợi xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu, lẩn tránh phòng vệ thương mại. Đặc biệt với một số thị trường lớn, trọng điểm đã có FTA với Việt Nam như châu Âu, các nước CPTPP hay Mỹ, phải có chương trình giám sát trọng điểm với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như gỗ, đồ gỗ chế biến, giày dép, dệt may, phụ tùng...

Ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các FTA đã ký kết; ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam.
Bài, ảnh, video: Hoàng Dương/Báo Tin tức
Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ
Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN