Gieo cấy vụ Đông Xuân sớm để ứng phó hạn mặn

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, một số thời điểm tương đương năm 2015 - 2016, 2019 - 2020. Bởi vậy, một số vùng cần rà soát xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2023 - 2024, cơ bản hoàn thành trong năm 2023 để phù hợp với tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang) làm đất chuẩn bị sạ giống lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 cho kịp lịch thời vụ. Ảnh tư liệu: Công Mạo/TTXVN

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo trạng thái El Nino tiếp tục duy trì đến tháng 2/2024 với xác suất 85 - 95%. Dự báo mưa khu vực Nam Bộ, tháng 10/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; tháng 11/2023 thấp hơn từ 10 - 20%; tháng 12/2023 phổ biến ở mức thấp hơn từ 10 - 20%; tháng 1 - 2/2024 có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa trong thời kỳ này.

Cục Thủy lợi dự báo dòng chảy mùa kiệt năm 2023 - 2024 thuộc nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn khó lường, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực.

Đáng chú ý các hồ thượng nguồn khả năng kéo dài tích nước đến cuối năm 2023, giai đoạn đầu mùa khô tháng 12/2023 đến tháng 3/2024 có thể xả nước hạn chế. Vì vậy, dòng chảy kiệt thấp làm tăng nguy cơ mặn có thể xuất hiện sớm.

Tại vùng các cửa sông Cửu Long, dự báo tháng 11 và 12/2023, ranh mặn 4 g/lít ở mức từ 25 - 30 km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi. Tháng 1 và 2/2024, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 55 - 65 km, cao hơn từ 10 - 15 km so với trung bình nhiều năm, so với năm 2020 thấp hơn từ 5 - 12 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 1 - 3 km. Phạm vi ảnh hưởng dự kiến vượt qua các công trình kiểm soát mặn, nhất là vào các kỳ triều cường, kết hợp gió mạnh.

Tại vùng hai sông Vàm Cỏ, dự báo tháng 11, tháng 12/2024, ranh mặn 4 g/lít ở mức từ 30 - 40 km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi.

Tháng 1 và 2/2024, ranh mặn 4g/l vào sâu từ từ 65 - 70 km, cao hơn từ 5 - 15 km so với trung bình nhiều năm, so với năm 2020 thấp hơn từ 5 - 10 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 15 - 20 km.

Nhìn chung, nguồn nước ngọt vẫn xuất hiện ở các vùng từ dưới Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây khoảng 5 km, và dưới Bến Lức từ 2 - 5 km trên sông Vàm Cỏ Đông vào kỳ triều thấp.

Tháng 3/2024, ranh mặn 4g/l có thể lên đến 80 - 85 km cao hơn 5 - 15 km so với trung bình nhiều năm, so với năm 2020 thấp hơn 5 - 10 km, so với năm 2016 thấp hơn  8- 12 km.

Vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn, cống Cái Lớn - Cái Bé đã được vận hành nên xâm nhập mặn được kiểm soát.

Theo Cục Thủy lợi, vụ lúa - tôm với khoảng 162.000 - 170.000 ha canh tác tại khu vực bán đảo Cà Mau - bắt đầu gieo trồng tháng 9 - thu hoạch lúa tháng 1/2024, sau đó thả tôm. Với dự báo mùa mưa kết thúc sớm, khả năng xảy ra thiếu nước cho khoảng 108.000 ha, đây là vùng chủ yếu phải sử dụng nước mưa để cung cấp cho sản xuất, tại tỉnh Kiên Giang khoảng .000 ha, Cà Mau khoảng 40.000 ha.

Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, trường hợp như xâm nhập như 2015 - 2016, tại vùng ven biển có khả năng xảy ra thiếu nước, cần tăng cường các giải pháp từ tháng 2/2023. Dự báo vùng ảnh hưởng khoảng 66.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp (Long An 5.600 ha, Tiền Giang 13.000 ha, Bến Tre 12.000 ha, Trà Vinh 15.000 ha, Sóc Trăng 20.000 ha).

Các diện tích khả năng bị ảnh hưởng trên phải có giải pháp canh tác phù hợp với tình hình nguồn nước, cần chủ động gieo cấy sớm tại các vùng không chủ động nguồn nước ngọt trong cả vụ.

Các địa phương khác tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn nhưng cần đề phòng tình trạng hạn hán, thiếu nước trường hợp diễn biến nguồn nước bất thường xuất hiện.

Cục Thủy lợi cho rằng, hiện còn khá sớm để dự báo chính xác xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 do nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công trong thời gian còn lại mùa mưa lũ (mưa, khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thượng nguồn).

Cục Thủy lợi và các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát tình hình nguồn nước, cập nhật thông tin dự báo để cung cấp cho các địa phương chủ động phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Cục Trồng trọt khuyến cáo, thời vụ xuống giống cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể từ ngày 10 - 30/10/2023 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ, thiếu nước như vùng ven biển Nam Bộ gồm: các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang sẽ cần xuống giống sớm để né mặn với khoảng 375.000 ha, chiếm khoảng 26% diện tích vụ Đông Xuân.

Bích Hồng (TTXVN)
Ứng phó bão số 1: Bảo vệ lúa mới gieo cấy
Ứng phó bão số 1: Bảo vệ lúa mới gieo cấy

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện về việc đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 1 ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN