Giới chức Malaysia đánh giá kinh tế - thương mại là điểm sáng trong quan hệ với Việt Nam

Trong khu vực, Việt Nam và Malaysia nên hợp tác cùng nhau để thu hút đầu tư vào ASEAN.

Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), Tengku Datuk Seri Utama Zafrul đã nhấn mạnh vấn đề này trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), Tengku Datuk Seri Utama Zafrul trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Thúy An/PV TTXVN tại Malaysia

Bộ trưởng Zafrul cho rằng một trong những lý do ông có mặt trong đoàn tháp tùng Thủ tướng Anwar Ibrahim trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này chính là thúc đẩy tiềm năng đầu tư và thương mại giữa hai nước, như tinh thần của lãnh đạo hai nước đã cùng khẳng định bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra tại Indonesia hồi tháng 5 vừa qua. Việt Nam và Malaysia là đối tác thương mại khá lớn của nhau trong ASEAN, trong đó Malaysia là đối tác đứng thứ 4 trong ASEAN đối với Việt Nam. Về đầu tư FDI, Malaysia xếp vị trí thứ 3 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam. Hai nước hiện vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác trong cả lĩnh vực thương mại và đầu tư. 

Theo Bộ trưởng Zafrul, trong bối cảnh trao đổi thương mại toàn cầu đang sụt giảm do suy thoái kinh tế thế giới nhưng thương mại trong ASEAN vẫn đóng vai trò quan trọng. Trong đó, thương mại song phương Malaysia – Việt Nam gia tăng nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng xuất, nhập khẩu một số sản phẩm như nông nghiệp và ngư nghiệp. Ông đồng thời cho rằng trong khu vực, Việt Nam và Malaysia nên hợp tác cùng nhau để thu hút đầu tư vào ASEAN. Malaysia đang tiếp tục công nghiệp hóa đất nước, trong khi Việt Nam đã rất chủ động và bứt phá nhanh chóng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mình. Vì vậy, hai nước có thể cùng nhau thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN, tạo ra sự dịch chuyển và đảm bảo chuỗi cung ứng phù hợp đối với khu vực. 

Đề cập đến những lĩnh vực triển vọng trong hợp tác hai nước, Bộ trưởng Zafrul cho rằng Malaysia và Việt Nam còn nhiều lĩnh vực có thể hợp tác cùng nhau. Ví dụ như về hợp tác nông nghiệp, Malaysia có thể sử dụng các công nghệ nông nghiệp để nâng cao sản lượng trong ngành công nghiệp nông nghiệp. Việt Nam cũng đang đầu tư nhiều vào lĩnh vực công nghệ liên quan tới kinh tế số vì điều này rất quan trọng. Một lĩnh vực khác mà cả Malaysia và Việt Nam cũng đều đang quan tâm là kinh tế xanh. Kinh tế số và kinh tế xanh là những lĩnh vực cả hai nước đều đang đầu tư và cần phải chuẩn bị để hướng đến tiếp cận cả các thị trường ngoài ASEAN. 

Liên quan đến sản phẩm halal (những sản phẩm được cho phép và hợp pháp để sử dụng theo Luật Hồi giáo), Bộ trưởng Zafrul đánh giá rằng thị trường dành cho sản phẩm halal trong khu vực vẫn còn rất nhiều tiềm năng vì có tới một nửa dân số ASEAN theo đạo Hồi. Việt Nam và Malaysia có thể hợp tác xuất khẩu sản phẩm halal bởi sản phẩm này không những có thể xuất khẩu trong thị trường ASEAN, mà còn xuất sang các thị trường khác trên toàn thế giới.  

MITI có đơn vị chức năng riêng là Cơ quan Phát triển Halal (HDC). Thông qua đơn vị này, những quy định về sản phẩm halal sẽ được giải thích rất rõ ràng. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng các doanh nghiệp hai nước còn nhiều cơ hội hợp tác cùng nhau, không chỉ về các sản phẩm nông nghiệp, mà còn các lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm… nhưng trước hết vẫn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. 

Bộ trưởng Zafrul cũng cho biết Cơ quan xúc tiến thương mại quốc gia (MATRADE) và Cơ quan Phát triển đầu tư Malaysia (MIDA), trực thuộc MITI sẽ nằm trong thành phần đoàn cùng Bộ trưởng MITI tháp tùng Thủ tướng Anwar sang thăm Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn dự kiến sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam có ý định xuất khẩu sang Malaysia, cũng như coi Malaysia là trung tâm xuất khẩu sản phẩm halal. Malaysia có đầy đủ năng lực trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm halal và cũng hiểu rõ các sản phẩm của Việt Nam đang hướng tới nhu cầu của thị trường thế giới. Nếu hai bên có thể hợp tác cùng nhau thì có thể hướng đến đảm bảo các vấn đề hạ nguồn như đóng gói, thanh toán, logistics…

Bộ trưởng Zafrul nhấn mạnh Malaysia mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ coi Malaysia là trung tâm xuất khẩu sản phẩm halal của thế giới. Tháng 9 tới đây, Malaysia sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế về các sản phẩm halal với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là triển lãm halal quốc tế thường niên mà MITI tổ chức.

Hằng Linh-An Nguyễn (TTXVN)
Dư địa cho đà phục hồi kinh tế Việt Nam 
Dư địa cho đà phục hồi kinh tế Việt Nam 

Mặc dù tốc độ tăng trưởng bị chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới, được xem là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN