Trong một bài viết trên trang mạng biv.com của tuần báo Business in Vancouver, ông Geoff Donald - người phụ trách mảng tuyên truyền vận động của Hội đồng Kinh doanh Canada-ASEAN (CABC) - nhận định Việt Nam là một đối tác quan trọng của Canada trong những thập kỷ tới.
Theo ông, điều này được thể hiện rõ qua những cam kết của Canada và Việt Nam về thương mại đa phương thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như các cơ hội mới như khả năng tiến tới một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Canada và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Geoff Donald nhấn mạnh mối quan hệ lâu đời giữa Canada và Việt Nam đã trở nên sâu sắc hơn trong những năm gần đây. Kể từ năm 2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á, với giá trị trao đổi thương mại hai chiều đạt kỷ lục 11,2 tỷ CAD (tương đương 9,2 tỷ USD) trong năm 2020. CPTPP đã tạo thuận lợi để các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư hai nước tăng cường tiếp cận thị trường của nhau và được cắt giảm thuế trong môi trường thương mại dựa theo luật định. Thương mại hai chiều tăng 12% so với năm 2019 và tăng 37% so với năm 2018, khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực.
Với dân số ước tính đạt 120 triệu người vào năm 2050 và dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng mạnh trong năm 2021, Việt Nam là thị trường có tiềm năng lớn đối với các công ty Canada, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành công nghiệp chủ chốt như chế biến thực phẩm. Ngoài lĩnh vực thương mại hàng hóa, nhiều cơ hội hợp tác xuất hiện trong các lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Theo ông Geoff Donald, để nắm bắt đầy đủ các cơ hội này và đảm bảo tăng trưởng toàn diện, cả hai chính phủ cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tối đa hóa các lợi ích của các thỏa thuận thương mại như CPTPP.
Tác giả bài viết cho rằng sự ổn định chính trị và tính kế thừa về chính sách tại Việt Nam đã củng cố niềm tin của khu vực tư nhân ở trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam năm 2020 đã duy trì tăng trưởng kinh tế bất chấp tác động của đại dịch COVID-19.
CABC là tiếng nói của khu vực tư nhân Canada hoạt động trong ASEAN. Các thành viên của CABC - bao gồm nhiều công ty hàng đầu của Canada như Manulife - đã hiện diện trong thời gian dài tại Việt Nam. Trong bối cảnh Canada đang phát triển chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, CABC kêu gọi các nhà hoạch định chính sách công và các lãnh đạo doanh nghiệp ưu tiên mối quan hệ Canada - Việt Nam thông qua việc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tận dụng lợi thế của CPTPP; mở rộng hợp tác thương mại Canada - Việt Nam trong các lĩnh vực tăng trưởng cao như nông sản, hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính và kinh tế kỹ thuật số; và đàm phán hiệp định thương mại tự do Canada - ASEAN để tăng cơ hội tổng thể cho Canada tại khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ các doanh nghiệp Canada nhận thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong bức tranh kinh tế tổng thể của quốc gia Bắc Mỹ này. Trong một phát biểu mới đây, ông John F.G Hannaford - Thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế Canada - đã nhấn mạnh việc Việt Nam duy trì dây chuyền cung ứng mở đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đã hỗ trợ dòng chảy thương mại không bị gián đoạn giữa Đông Nam Á và Canada. Ông John F.G Hannaford khẳng định Canada cam kết tăng cường quan hệ thương mại với Việt Nam trên cơ sở nền móng vô cùng vững chắc đã được hai bên gây dựng.
Những thống kê mới nhất cho thấy thị trường Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư Canada. Đặc biệt, Canada mong muốn được chứng kiến dòng đầu tư lớn hơn từ Việt Nam, trong bối cảnh Canada đang nắm giữ nhiều “điểm cộng”: môi trường kinh tế-chính trị ổn định, đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, có kỹ năng cao, chính sách thuế nhiều ưu đãi…