Trả lời phỏng vấn báo Vedomosti, ông Svyatoslav Ostrovsky, Thành viên Hội đồng quản trị của VTB cho biết ngân hàng này đang xây dựng cầu nối với các khu vực châu Á. "Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên, một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh chóng, có truyền thống và vẫn là mối quan tâm của các doanh nghiệp Nga". Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những điểm du lịch phổ biến nhất của người Nga. Ông tin rằng giải pháp mới của VTB sẽ được khách hàng ưa chuộng và ngân hàng này luôn sẵn sàng cung cấp tất cả các sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhất cho mọi đối tượng khách hàng.
Trong khi đó, Đại diện ngân hàng Promsvyazbank (PSB) nhấn mạnh PSB quan tâm đến việc thiết lập quan hệ đại lý với các ngân hàng Đông Nam Á gồm Myanmar, Việt Nam và Indonesia, do các quốc gia này quan tâm đến việc phát triển hợp tác với các công ty Nga trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, lọc dầu, phát triển tài nguyên thiên nhiên, công nghệ thông tin...
Ông Alexander Rakhmanin, Phó trưởng bộ phận đối ngoại của ngân hàng Rosbank cho biết ngân hàng này đang làm việc với một số đối tác châu Á và trong tương lai có kế hoạch làm việc với tất cả các quốc gia Trung, Nam và Đông Nam Á bằng các loại tiền tệ mà các ngân hàng đại lý hoặc các tổ chức tài chính của ngân hàng đã sẵn sàng xử lý vấn đề đặt ra với giao dịch. Ông cho biết Rosbank đặc biệt chú ý đến việc chuyển tiền sang Trung Quốc, Kazakhstan, Uzbekistan và Việt Nam.
Ông Georgy Zemlyanitsky, Giám đốc điều hành Bộ phận hỗ trợ hoạt động thị trường tài chính của Ngân hàng nông nghiệp Nga (RSHB), cho biết các dòng thương mại quốc tế đang tích cực được phân phối lại và hướng tới các nước châu Á - Thái Bình Dương, các công ty cũng đang tích cực mở các đại diện kinh doanh ở Các Tiểu vương quốc Arab (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Kazakhstan, Uzbekistan và đang xem xét các thị trường mới.
Ngân hàng RSHB đang phát triển cơ sở hạ tầng cho các thanh toán bằng đồng ruble và tiền nội tệ với các quốc gia Trung Đông, Trung Á và Đông Nam Á. Một trong những ưu tiên của ngân hàng này ở Đông Nam Á là Việt Nam.
Ông Alexei Filimonov, Giám đốc điều hành công ty Astera - đơn vị đã làm việc tại Việt Nam được hai năm. Ông nhận định thị trường Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời cho rằng tiềm năng quan hệ thương mại Nga-Việt Nam vẫn rất lớn và đang phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam năm ngoái đạt hơn 7 tỷ USD.
Ông Denis Kuskov, Giám đốc điều hành của Cơ quan phân tích TelecomDaily cho rằng Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhanh chóng với dân số hơn 99 triệu người. Việc xây dựng bất kỳ nhà máy nào tại Việt Nam, dù trong ngành điện tử hay ô tô, đều rẻ hơn nhiều so với các nước khác. Khí hậu thuận lợi, giá nhân công phải chăng, qua đó tạo điều kiện tích cực cho hoạt động sản xuất thiết bị của nước ngoài.
Trước đó cùng ngày, Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) thông báo bắt đầu triển khai dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam bằng tiền đồng. Dịch vụ mới sẽ cho phép gửi tiền ra nước ngoài, có sẵn cho các cá nhân và pháp nhân kể từ ngày 27/7. Khách hàng sẽ có thể sử dụng dịch vụ chuyển tiền tại VTB Online. Tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người nhận tại Việt Nam trong vòng một ngày và việc chuyển khoản xuyên biên giới tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về tiền tệ.
Dịch vụ của ngân VTB không phải là lựa chọn duy nhất cho việc chuyển tiền từ Nga về Việt Nam. Từ tháng 10/2020, ngân hàng BIDV chính thức triển khai dịch vụ nhận tiền kiều hối từ Nga về Việt Nam thông qua kênh KoronaPay tại hơn 1.000 điểm giao dịch của BIDV trên toàn quốc. Thời gian chuyển và nhận tiền được rút ngắn chỉ còn vài phút cho các giao dịch chuyển tiền, khách hàng nhận tiền tại Việt Nam hoàn toàn miễn phí và được lựa chọn loại tiền nhận là USD hoặc euro. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng BIDV tại Nga cho biết, dịch vụ KoronaPay chỉ áp dụng cho khách hàng cá nhân và số lượng chuyển tiền còn tương đối hạn chế.