Đến trưa ngày 25/8, thị trường chứng khoán Thượng Hải vẫn tiếp tục “đỏ sàn”, tuy nhiên đã thu hẹp đà giảm so với lúc mở phiên. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á khác đã đồng loạt đảo chiều đi lên sau khi chìm trong sắc đỏ lúc đầu phiên.Một bảng hiển thị giá giảm (màu xanh) tại một nhà môi giới ở Hàng Châu, Chiết Giang ngày 25/8. Ảnh: AP
|
Cuối phiên sáng 25/8, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải vẫn giảm 4,33%, so với mức giảm 6,41% hồi đầu phiên. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,1%, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cộng cho mình thêm 1,62%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 2,3%, và chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 1,32%.
Trước đó, chứng khoán Trung Quốc giảm sâu, cùng những quan ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc và thế giới, đã gây hiệu ứng toàn cầu. Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 24/8, cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều lao dốc xấp xỉ 4%. Đây là sự mất giá tệ hại nhất của ba chỉ số chứng khoán này trong vòng 4 năm qua, “cuốn đi” khoảng 812 tỷ USD. Không chỉ Mỹ, chốt phiên 24/8, chỉ số FTSEurofirst 300 của châu Âu cũng giảm 5,4% và “làm bay” 450 tỷ euro (521,42 tỷ USD).
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã để “bốc hơi” hơn 5.000 tỷ USD kể từ khi Trung Quốc bất ngờ hạ giá đồng NDT vào ngày 11/8 vừa qua, làm gia tăng quan ngại rằng "sức khỏe" nền kinh tế lớn thứ hai thế giới yếu hơn dự kiến.