Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến dịp cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Đây là thời điểm mong chờ nhất của bà con trồng hoa và cây cảnh trên địa bàn huyện Văn Giang (Hưng Yên). Thế nhưng, sau khi bão số 3 đổ bộ, kèm theo mưa lớn và lũ từ thượng nguồn đổ về đã nhấn chìm toàn bộ diện tích trồng hoa và cây cảnh khiến hàng trăm ha diện tích canh tác bị thiệt hại gần như hoàn toàn.
Là hợp tác xã quy mô lớn, với gần 130 hộ thành viên đang canh tác trên diện tích hơn 70 ha tại khu vực bãi bồi ven sông Hồng, ông Nguyễn Văn Hiểu - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã dịch vụ hoa và cây cảnh Phụng Công trải lòng, trước thông tin cơn bão số 3 đổ bộ, các hộ thành viên đã chủ động di dời một số chủng loại cây cảnh loại nhỏ lên khu vực trên đê để hạn chế thiệt hại, chằng buộc chắc chắn những cây không thể di chuyển. Tuy nhiên, gió mạnh và mưa lớn đã khiến toàn bộ diện tích canh tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một lượng lớn cây cảnh lâu năm có giá trị kinh tế cao đã bị quật gãy.
Tương tự, bà Lý Thị Hà Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau củ quả an toàn Văn Giang (Hưng Yên) chia sẻ, hơn 60% diện tích ổi bị nghiêng cây và rụng quả nhiều, một số bị bật gốc. Hơn nữa, diện tích trồng cam dù đã được cảnh báo và phòng chống nhưng toàn bộ diện tích canh tác của hợp tác xã rụng hơn 30 tấn quả và thiệt hại lên đến 7 tỷ đồng.
Anh Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sông Hồng (Hà Nội) bày tỏ, nước ngập rất cao và nhanh khiến các thành viên hợp tác xã không trở tay kịp. “Tiền tỷ bay theo nước lũ nên hợp tác xã rất mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp ngành. Về mặt kỹ thuật, hợp tác xã có thể chủ động và bổ sung, nhưng thiếu tài chính nên việc khôi phục lại sản xuất sẽ rất khó khăn”, anh Lê Văn Tám nói.
Cũng với bão, những trận mưa lũ kéo dài đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh phía Bắc. Nhiều hợp tác xã vẫn đang nỗ lực để khôi phục hoạt động sản xuất, đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế địa phương.
Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn (Lào Cai) vốn nổi tiếng với những ngôi nhà sàn truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo. Thế nhưng, lũ ập đến gây sạt lở đất và hủy hoại nhiều công trình, nhà sàn của hợp tác xã. Không những thế, hệ thống đường giao thông đến các bản làng bị chia cắt, khiến việc đón khách du lịch gặp nhiều khó khăn.
Ngay sau khi bão tan, các thành viên hợp tác xã cũng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và tổ chức xã hội để dọn dẹp đường sá, sửa chữa lại những khu vực bị sạt lở và tái xây dựng những ngôi nhà sàn bị hư hại. Ngoài ra, hợp tác xã cũng tận dụng nguồn tài trợ từ các tổ chức phi Chính phủ để mua lại trang thiết bị mới thay thế để sẵn sàng đón du khách quay lại trải nghiệm cuộc sống yên bình và văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Tuy nhiên, nếu chỉ tái thiết lại cơ sở vật chất là chưa đủ, các hợp tác xã du lịch đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình theo hướng bền vững, hiện đại hơn. Một trong những xu hướng được nhiều hợp tác xã áp dụng là tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng kết hợp bảo vệ môi trường.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật. Trong số đó, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã… có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh thực vật gây ra sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hải Điền (Nam Định) đánh giá: Chính sách này cho thấy sự quan tâm kịp thời của Nhà nước, các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ người dân, hợp tác xã khắc phục hậu quả, ảnh hưởng từ bão lũ. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, phần làm hồ sơ để đưa lên cơ quan quản lý vẫn rất phức tạp, nhiều khâu, nhiều bước. Ngay việc chính quyền cấp xã thẩm định hồ sơ cũng lên đến 30 ngày hoặc không quá 60 ngày là quá dài. Chưa tính thời gian chuyển hồ sơ lên cấp huyện và chờ ban hành quyết định hỗ trợ. Nếu như vậy, sợ đến hết năm nay hoặc phải sang năm 2025 hợp tác xã mới nhận được hỗ trợ. Trong khi việc hồi phục lại sản xuất phải diễn ra ngay sau bão lũ.
Đại diện một số hợp tác xã cũng chỉ ra rằng, một số chính sách vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tiếp cận chính sách hỗ trợ. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chỉ đạo rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay…Tuy vậy, đối tượng mà ngành ngân hàng đề cập chỉ là người dân, doanh nghiệp mà thiếu chủ thể hợp tác xã.
Hay như, Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí... nhưng mới tập trung vào tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ mà chưa nêu rõ đối tượng hợp tác xã, tổ hợp tác. Bởi vậy, hợp tác xã vẫn đang lo lắng về tình trạng khôi phục sản xuất trong dài hạn.
Các chuyên gia cho rằng, việc liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, sản phẩm cũng đóng vai trò quan trọng. Các hợp tác xã có thể hợp tác với công ty bảo hiểm để tham gia gói bảo hiểm nhằm giảm thiểu rủi ro về tài chính khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, hợp tác xã cần tăng cường xây dựng quỹ dự phòng cho trường hợp khẩn cấp.