Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động quý I/2012 của ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hôm qua (9/4), đại diện lãnh đạo ngành đã đề cập đến nhiều giải pháp để gỡ khó cho tiêu thụ hàng hóa nông sản.Sắp hoàn thành tạm trữ 1 triệu tấn gạoTính đến 9/4, các doanh nghiệp đã thu mua tạm trữ được 800.000 tấn gạo. Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại, nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo sẽ hoàn thành trong tháng 4/2012.
Theo ông Hòa, việc mua tạm trữ gạo là một chủ trương đúng của Chính phủ và tác động tích cực của chủ trương này đã thể hiện qua việc tăng giá bán lúa cho nông dân. Giá lúa và giá gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đã tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg. Trước khi có chủ trương mua tạm trữ, có lúc giá lúa đã ở mức 4.800 - 4.900 đồng/kg. “Với giá bán lúa hiện tại, người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long có lãi 30%”, ông Hòa khẳng định.
Nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) thu hoạch lúa. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Cũng liên quan đến vấn đề tiêu thụ lúa gạo, trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đã chỉ đạo thời gian tới, Hiệp hội Lương thực - nơi đang nắm giữ các hợp đồng tiêu thụ sẽ liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sản xuất ở các cánh đồng mẫu lớn.
Xuất khẩu 100.000 tấn đường
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Vừa qua, một số mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất sang thị trường EU bị nhiễm dịch hại nằm trong danh mục “cấm” của EU. Bốn loại dịch hại trong danh mục “cấm” gồm: bọ trĩ, bọ phấn, giòi đục lá, vi khuẩn gây bệnh sẹo cam quýt. EU khuyến cáo, trong vòng 1 năm (từ 15/1/2012 đến 15/1/2013), nếu phía EU phát hiện thấy 5 lô hàng nữa của Việt Nam bị nhiễm các dịch hại trên thì có thể “đóng cửa” việc nhập các mặt hàng rau quả của Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề trên, Cục Bảo vệ thực vật đã họp với trên 60 DN xuất khẩu mặt hàng rau quả để thông báo tình hình. Cục đang khẩn trương kiểm tra lại toàn bộ quá trình kiểm dịch của 3 lô hàng xuất sang EU trong quý I/2012 bị phát hiện nhiễm dịch hại. |
Niên vụ 2011 - 2012, sản lượng mía cả nước đạt khoảng 15 triệu tấn. Theo tính toán của các nhà máy đường, trong nước sản xuất được khoảng 1,4 triệu tấn đường. Hiện nay, khả năng lưu thông vốn của các nhà máy đường rất khó khăn.
Năm 2012, tiêu thụ mặt hàng đường hạn chế hơn nhiều so với năm trước. Những nhà máy dùng đường làm nguyên liệu sản xuất chỉ mua đường với lượng nhỏ giọt theo từng tháng khi có nhu cầu, không dự trữ đường cả quý như mọi năm. Việc chậm lưu thông như thế khiến lượng đường tồn ở các kho của nhà máy rất lớn. Cuối tháng 3/2012, lượng đường tồn kho của các nhà máy khoảng 400.000 tấn. “Khó khăn như thế nên doanh nghiệp chật vật trong việc thanh toán tiền mua mía cho nông dân”. Sản xuất của nhà máy đường và việc tiêu thụ mía của nông dân đều gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, theo ông Hòa, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu 100.000 tấn đường để doanh nghiệp đỡ khó khăn. Bộ NN&PTNT chủ trương nếu trong nước tiêu thụ chậm thì phải xuất khẩu. Việc xuất khẩu cũng kích thích các doanh nghiệp trong nước phải mua đường dự trữ, từ đó ổn định được giá đường, bảo đảm giá mua mía cho nông dân”.
Đồng thời, Bộ cũng đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để tạm trữ 200 tấn đường trong 3 tháng. “Biện pháp này sẽ giảm sức ép với các doanh nghiệp lớn, bảo đảm lượng đường cho các thời điểm có nhu cầu cao sắp tới. Với những giải pháp đó, Bộ NN&PTNT tin tưởng vừa đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, vừa bảo đảm lợi ích nông dân và bảo đảm cán cân cung cầu trong nước.
Kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ở Hà Nội, cho tới thời điểm này chưa phát hiện mẫu xét nghiệm nào trong thịt lợn dương tính với chất cấm trong chăn nuôi. Nhưng thông tin về việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi thời gian qua đã khiến việc tiêu thụ thịt lợn gặp khó khăn, giá bán giảm. Vì vậy, đại diện ngành chăn nuôi cho biết sẽ kiểm soát chất cấm quyết liệt hơn nữa.
Thực tế, việc kiểm tra chất cấm trong thức ăn chăn nuôi là việc thường xuyên của Bộ NN&PTNT trong chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm tra thời gian qua cho thấy tỷ lệ dương tính với các mẫu thức ăn đặc biệt thấp với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn. Vừa qua, những mẫu thức ăn chăn nuôi bị phát hiện nhiễm chất cấm ở Hòa Bình, Hải Dương đều là các cơ sở sản xuất nhỏ. Trước thực trạng trên, ông Dương cho biết, Cục Chăn nuôi đã xây dựng kế hoạch để kiểm tra rộng hơn, không chỉ tập trung các doanh nghiệp lớn mà sẽ quan tâm hơn tới các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong 13/286 mẫu thức ăn phát hiện dương tính với chất cấm Beta Agonist (4,8%) vừa qua, có một số mẫu do Cục Chăn nuôi trực tiếp lấy mẫu phân tích, còn lại, một số mẫu do địa phương gửi về, không nói rõ danh tính của các doanh nghiệp này. Nhưng tới đây, Cục Chăn nuôi cho biết sẽ làm việc với các Sở NN&PTNT để xác định chính xác những doanh nghiệp nào vi phạm.
Mạnh Minh