Gỡ 'nút thắt' dồn đổi ruộng đất ở Phú Thọ

Dồn đổi ruộng đất là việc có liên quan tới quyền lợi của hầu hết các hộ nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Vì thế, vấn đề được coi là "nút thắt" trong dồn đổi ruộng đất là giải quyết như thế nào để “thuận buồm xuôi gió” cho cả người dân và chính quyền địa phương.

Thực tế, một số địa phương đã có những cách làm hay để việc dồn đổi ruộng đất đạt hiệu quả, đây cũng là những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới cần nhân rộng.

Nhiều hộ dân huyện Lâm Thao đã thực hiện chuyển đổi đất ruộng để làm trang trại VAC.

Cách làm hay, sáng tạo

Hương Nha là xã miền núi của huyện Tam Nông với đặc thù có nhiều đồi núi, diện tích đất ruộng manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là ruộng khe dộc, không thuận lợi như các xã đồng bằng trên địa bàn huyện nhưng lại có cách làm khá hay trong dồn đổi ruộng đất.

Lãnh đạo xã Hương Nha cho biết, trước kia xã đã tiến hành dồn đổi nhưng hiệu quả không cao. Nguyên nhân chính do một bộ phận người dân chưa thực sự tin tưởng vào chủ trương, chính sách; cho rằng có sự tư lợi trong quá trình gắp thăm phân chia ruộng; so sánh giữa ruộng tốt và ruộng xấu; thửa gần, thửa xa; hệ thống hạ tầng gần như chưa có…

Năm 2015, xã Hương Nha đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Dồn đổi ruộng đất do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã trực tiếp làm Trưởng ban. Tính đến trước tháng 10 năm 2015, toàn xã có 84 ha đất nông nghiệp, sau khi tiến hành dồn đổi đợt đầu tiên đã dồn đổi được 34,8 ha.

Về cơ bản, những diện tích có thể dồn đổi xã đã thực hiện xong, diện tích còn lại chủ yếu là các chân ruộng dộc, đất trũng hoặc cao, canh tác khó khăn, trồng lúa không hiệu quả. Xã khuyến khích các hộ tự dồn đổi hoặc cho nhau thuê lại để sản xuất các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao hơn…

Đối với những nơi khó dồn đổi, bà con nông dân Hương Nha đã sáng tạo ra một cách làm mới. Một số hộ có ruộng gần nhau nhưng diện tích nhỏ, gieo cấy gặp khó khăn muốn trồng lúa hoặc một số loại cây trồng khác với diện tích lớn để có thu nhập cao hơn nên đã cùng nhau góp ruộng để có diện tích lớn, thay phiên nhau canh tác theo vụ.

Bà Lê Thị Tuyết, một trong các hộ tham gia tích tụ đất đai theo phương châm này cho biết, đất ở đây nếu dồn đổi thì chẳng ai muốn nhận nên một số hộ có ruộng ở khu này bàn nhau góp ruộng. Ai muốn trồng loại gì thì tùy theo nghiên cứu và nhu cầu của người đến lượt. Nhóm của gia đình bà có 8 hộ tất cả, góp dồn được khoảng hơn 3 mẫu.

Vụ này đến lượt nhà bà Tuyết làm, cấy giống lúa Thiên ưu, chăm bón kỹ cùng với được mùa chung nên sản lượng thu được cũng khá. Ngoài lúa có hộ thì trồng dưa, rau màu. Nhờ diện tích lớn, trồng tập trung một loại cây nên rất thuận tiện trong các khâu như chăm sóc, thu hoạch...

Tuy nhiên, trên thực tế việc dồn đổi ruộng đất vẫn còn những hạn chế như diện tích do nhân dân bàn bạc, thảo luận để lập phương án tham gia dồn đổi còn thấp, tiến độ thực hiện nhìn chung còn chậm so với kế hoạch ban đầu của từng địa phương đề ra. Như ở xã Minh Hạc, huyện Hạ Hòa, dồn đổi ruộng đất còn gặp những vướng mắc nhất định nên kết quả đạt được chưa cao.

Ông Hoàng Đức Đạt, Chủ tịch UBND xã cho biết, quá trình thực hiện dồn đổi ở Minh Hạc thực hiện đúng trình tự, thủ tục đảm bảo tính công khai, dân chủ. Xã đã tuyên truyền rộng rãi đến từng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để sau dồn đổi ruộng đất chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát huy tiềm năng, khai thác có hiệu quả diện tích đất.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, tổng diện tích dồn đổi trong toàn xã mới được hơn 13 ha, đạt trên 75% so với phương án đã được xây dựng. Nguyên nhân chính là do địa hình đất nông nghiệp không bằng phẳng, có diện tích lúa một vụ, diện tích theo kiểu bậc thang, giao thông đi lại khó khăn nên ảnh hưởng tới  việc dồn đổi.

“Nút thắt” cần gỡ

Thực hiện đồn điền đổi thửa, huyện Lâm Thao đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn. Bình quân mỗi hộ có từ 4 đến 6 thửa, mỗi thửa rộng từ 2 đến 5 sào.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh có trên 97.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất canh tác là gần 48.500 ha, chia cho gần 226.500 hộ sử dụng với trên 2 triệu thửa đất. Bình quân diện tích 1 thửa ruộng là hơn 220 m2, bình quân 1 hộ có gần 10 thửa ruộng.


Những năm gần đây, nhờ làm tốt việc dồn đất đổi ruộng, diện tích trung bình thửa đất gần 260 m2/thửa, bình quân giảm còn 7,8 thửa/hộ. Tuy nhiên những con số trên cho thấy việc dồn đổi còn chậm, ruộng đất trên địa bàn tỉnh còn rất manh mún, số thửa trên hộ giảm thấp, diện tích thửa sau dồn đổi còn nhỏ.

Trước đây, thực hiện khoán ruộng, chia đất theo nguyên tắc người nào cũng có đất tốt, đất xấu, đất xa, đất gần; đất cao, đất thấp. Hiện nay, thực hiện dồn đổi đưa vào một vị trí gần nhau gây khó khăn cho người dân và các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, việc thực hiện sẽ phải tiến hành đo đạc địa chính và chỉnh lý lại trên bản đồ, sau đó, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Trong khi đó, kinh phí đo đạc, chỉnh lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới là rất lớn, không thể có ngay được…

Mặt khác, do cấp ủy, chính quyền nhiều nơi chưa thực sự coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo quyết liệt; phương thức dồn đổi chưa sát với thực tế; một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng và đầy đủ nên chưa tích cực tham gia...

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Tỉnh ủy Phú Thọ tiếp tục hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/4/2016 về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Quan điểm chỉ đạo là tiếp tục thực hiện dồn đổi ruộng đất có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đất sản xuất nông nghiệp ở những xã, vùng có điều kiện dồn đổi và các xã phấn đấu đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020.

Ông Vũ Văn Nhất, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, sau khi có Nghị quyết 08, nhiều địa phương đã chủ động tích cực triển khai việc dồn đổi ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua việc dồn đổi ruộng đất đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển cánh đồng lớn, bước đầu hình thành liên kết sản xuất với sự tham gia của doanh nghiệp...

Tuy nhiên để dồn đổi ruộng đất được hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới các địa phương cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn trong triển khai. Việc xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất phải cụ thể, phù hợp với thực tế, đảm bảo quy trình và nguyên tắc dân chủ, công khai, tự nguyện. Việc tuyên truyền cần được đẩy mạnh để nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ và tích cực tham gia thực hiện. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong việc triển khai thực hiện dồn đổi ruộng đất.

Bài, ảnh: Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Quảng Nam phát triển giao thông nội đồng để dồn điền đổi thửa
Quảng Nam phát triển giao thông nội đồng để dồn điền đổi thửa

Năm 2017, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh (hơn 32 tỷ đồng) để hỗ trợ các địa phương tiếp tục bê tông 83 km đường giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác dồn điền đổi thửả

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN