Gỡ 'thẻ vàng' IUU - Bài 1: Nỗ lực không ngừng của Việt Nam

Ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với ngành thủy sản Việt Nam vào tháng 10/2017, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để từng bước đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC.

Chú thích ảnh
Tỉnh Bình Định đã lắp đặt bị thiết bị giám sát hành trình khai thác thuỷ sản đạt 99,29%. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phóng viên TTTXVN đã thực hiện chùm 3 bài viết về nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương để đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC đồng thời cung cấp góc nhìn của các chuyên gia quốc tế về việc vừa đáp ứng được những khuyến nghị của EC, vừa đảm bảo sinh kế ổn định cho hàng triệu ngư dân bám biển.

Bài 1: Nỗ lực không ngừng của Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định, đặc biệt là việc tổ chức lại hệ thống kiểm ngư với 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư và việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hình sự hóa những hành vi vi phạm liên quan đến IUU hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nhằm xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác thuỷ sản đúng quy định của pháp luật ở cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, hiện có 3 điểm khó khăn, tồn tại chính mà Việt Nam cần tập trung thực hiện các khuyến cáo của EC. Thứ nhất, tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai, tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ ba, Việt Nam còn những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác.

Đánh giá tác động của “thẻ vàng” IUU tới việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang châu Âu, ông James Borton, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins (SAIS), chuyên gia nghiên cứu môi trường an ninh tại Biển Đông, cho biết: “Châu Âu là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, “thẻ vàng” của EC khiến xuất khẩu của Việt Nam sang EU gặp một số khó khăn nhất định, chẳng hạn như việc tăng thêm chi phí giao hàng do phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn và thời gian giao hàng do đó cũng bị kéo dài lâu hơn.”

Chú thích ảnh
Sản phẩm thuỷ sản khai thác theo quy định IUU ở cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản Việt Nam, kể từ khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, giá trị xuất khẩu vào thị trường EU sụt giảm bình quân 6 - 10%/năm. Nếu trước kia, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản), thì nay đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).

Chuyên gia nghiên cứu an ninh môi trường tại Biển Đông Borton cho biết, hệ thống thẻ của EC là một sáng kiến toàn cầu nhằm hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp. Việt Nam và nhiều quốc gia khác xuất khẩu thủy sản vào EU đặc biệt lo ngại về nguy cơ bị rút “thẻ đỏ” - mức trừng phạt cao nhất đồng nghĩa với việc sẽ bị cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu thủy hải sản sang EU. Năm 2023, thông qua hoạt động giám sát chặt chẽ của mình, EC đã cảnh báo 27 quốc gia; trong đó Campuchia bị “thẻ đỏ” và Việt Nam vẫn nằm trong danh mục các nước nhận “thẻ vàng.”

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền vận động ngư dân khai thác thuỷ sản theo quy định của pháp luật, trước khi ra khơi ở cảng cá huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Paul-Antoine Croizé, Chủ tịch Tiểu ban ngành kinh doanh Thực phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham nhấn mạnh việc Việt Nam bị nhận “thẻ vàng” mới chỉ là “tín hiệu cảnh báo,” chứ không phải là “thẻ đỏ.” Điều đó có nghĩa “thẻ vàng” cảnh cáo này không tác động trực tiếp đến việc hạn chế tiếp cận thị trường của Việt Nam, cũng như không có những ảnh hưởng trực tiếp về mặt tài chính đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên, việc bị áp “thẻ vàng” khiến các mặt hàng của Việt Nam bị giám sát chặt chẽ hơn khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và tạo ra một số phức tạp nhất định đối với các nhà nhập khẩu châu Âu trong việc kiểm định hàng hóa. Điều này cũng gián tiếp khiến các nhà sản xuất thủy sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm tra thiết bị giám sát hành trình khai thác thuỷ sản trên tàu cá trước khi ra khơi ở cảng cá huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Borton cho hay năm 2024 được coi là năm then chốt đối với Việt Nam trong việc được công nhận là một quốc gia cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

“Đảm bảo tuân thủ các quy định chống IUU đòi hỏi sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm các ngư dân, cộng đồng dân cư ven biển và toàn bộ công chúng nói chung,” chuyên gia Borton nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho đợt kiểm tra sắp tới của đoàn EC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số /2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản). Điều này cho thấy, quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lý chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu.

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội Biên phòng ở cảng cá Quy Nhơn, theo dõi, giám sát tàu cá đang khai thác thuỷ sản trên biển Đông. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ngày 10/4/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Chỉ thị huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị vào lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU.

Các địa phương trên cả nước cũng đang nỗ lực tăng cường các biện pháp đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động cho các tàu cá nhằm giải quyết dứt điểm các vi phạm liên quan đến IUU. Ví dụ, tỉnh Kiên Giang, nơi có đội tàu cá lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long đã cấp phép cho hơn 7.000 tàu cá. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong số này, hơn 3.600 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên đã được trang bị Hệ thống giám sát tàu cá (VMS).

Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một trong những địa phương được EC chọn để thanh tra vào năm 2023, đã tổ chức hội nghị Sơ kết đánh giá tình hình thực hiện công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vào đầu tháng 7/2024. Báo cáo tại hội nghị, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính đến nay toàn bộ số tàu cá đã đăng ký được cập nhật 100% về cơ sở dữ liệu quốc gia. Số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt trên 97%, đã cấp phép khai thác đạt hơn 75%.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục chứng minh những nỗ lực của mình trong việc chống đánh bắt IUU, tiến tới gỡ “thẻ vàng” sớm nhất có thể. Đây không chỉ là vấn đề thực hiện nghiêm Luật Thủy sản năm 2017 mà còn là vấn đề bảo vệ an ninh bờ biển và an toàn hệ sinh thái biển.

Bài 2: Chuyên gia nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng

Linh Hà - Bích Hường (TTXVN)
Địa phương đóng vai trò quan trọng, quyết định gỡ 'thẻ vàng' IUU
Địa phương đóng vai trò quan trọng, quyết định gỡ 'thẻ vàng' IUU

Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 5 vào tháng 10/2024. Để lần kiểm tra này của Đoàn Thanh tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến về những nhiệm vụ cần thực hiện ngay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN