Cầu C4 thôn Mang He, xã Sơn Bua có chiều dài gần 1km với tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 46 Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công năm 2022 và dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2023.Tuy nhiên, do chậm trễ về giải phóng mặt bằng đến nay, gói thầu mới chỉ hoàn thành 60% khối lượng công việc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các nhịp chính cầu C4 đã thi công cơ bản hoàn thành, riêng hai nhịp dẫn đầu cầu chưa được thi công. Một số nhà dân sống ở khu vực chân cầu nằm trong diện giải phóng mặt bằng vẫn chưa được di dời. Trên công trường, chỉ có một vài công nhân làm việc, một số hạng mục sắt vị trí khớp nối với mố cầu đường dẫn do chậm thi công đang bị gỉ sét.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Bua cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9 năm 2020, cầu Nước Bua bị sụt lún hai nhịp. Dự án xây cầu mới thay thế cầu Nước Bua đã đưa vào quy hoạch giải phóng mặt bằng nhà ở 16 hộ dân và điểm trường với gần 2 ha. Hiện nay, 8 hộ dân trong diện giải tỏa đền bù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được huyện Sơn Tây cấp thể hiện trong sổ là “đất lưu không”, địa phương không xác định được nguồn gốc đất trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch, gói thầu cầu C4 sẽ thu hồi hết diện tích đất, nhà ở, người dân có nguyện vọng và đề nghị cần được tái định cư. Theo chủ đầu tư, gói thầu này là giai đoạn cuối trong Dự án đường Đông Trường Sơn nên không có phương án tái định cư. Những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến cầu C4 thi công kéo dài, khiến người dân sống trong vùng dự án lâm vào hoàn cảnh “đi không được, ở cũng không xong”.
Theo ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Sơn Tây, nguyên nhân công tác đền bù giải phóng mặt bằng thi công dự án cầu C4 chậm do chưa giải quyết dứt điểm sai sót trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân. Phần lớn diện tích đất dự kiến thu hồi đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện cầu C4 là đất của người dân sử dụng từ lâu nhưng được quy hoạch là đất hành lang an toàn giao thông.
Năm 2011, khi huyện Sơn Tây làm thủ tục cấp "sổ đỏ" cho người dân đã ghi trong đó là “đất lưu không”. Theo quy định, đất lưu không thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, không được cấp "sổ đỏ". Do vậy, hiện nay, khi thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, huyện không có căn cứ để đền bù cho những hộ dân này dẫn đến chậm trễ trong thực hiện giải phóng mặt bằng công trình.
“Phương án sắp tới huyện Sơn Tây sẽ thu hồi hết các "sổ đỏ" đã cấp sai, đồng thời rà soát lại nguồn gốc đất, có phương án thực hiện bồi thường cho người dân theo đúng quy định của pháp luật, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân cũng như tiến độ của dự án”, ông Bùi Thanh Vân cho biết.
Gói thầu kiên cố hóa số 24 có chiều dài 300m với kinh phí hơn 7 tỷ đồng khắc phục vị trí sạt lở đường Đông Trường Sơn, đoạn Km156+890-Km156+970 qua xã Sơn Mùa do Ban Quản lý dự án 46 làm chủ đầu tư. Gói thầu được triển khai từ tháng 3/2023, thời gian hoàn thành 7 tháng. Do vướng mắc trong đền bù đất của 15 hộ dân, quá trình thi công ảnh hưởng tới một số đường nước sinh hoạt, cáp nhà mạng. Đến nay đã gần hết thời gian thực hiện, gói thầu này mới chỉ hoàn thành khối lượng công việc rất thấp.
Đại tá Nguyễn Văn Minh, đại diện Ban Quản lý dự án 46 cho biết, cả hai gói thầu cầu C4 và khắc phục sạt lở đường Đông Trường Sơn đoạn Km156+890 - Km156+970 được đơn vị ký hợp đồng và giao cho Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, địa phương giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ của công trình. Đối với gói thầu cầu C4, nếu được bàn giao mặt bằng sạch sớm, đơn vị đã hoàn thành từ cuối năm 2022.
Hiện nay, máy móc, thiết bị vẫn tập kết ở công trường nhưng không có mặt bằng để thi công, gây lãng phí, thiệt hại cho chủ đầu tư.