Trước thực tế trên, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan dự thảo Nghị quyết điều chỉnh số nội dung về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng theo hướng giảm thêm lãi suất cho vay đối với khách mua nhà. Động thái này được kỳ vọng sẽ kích cầu tín dụng, đẩy mạnh giải ngân chương trình, góp phần thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Gỡ rào cản lãi suất
Theo công bố mới nhất tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Bảy vừa diễn ra tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đang báo cáo Chính phủ dự thảo Nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội theo hướng giảm lãi suất dành cho người mua nhà từ 3-5% so với lãi suất trung, dài hạn bình quân của ngân hàng thương mại, trong khi mức hỗ trợ lãi suất cho các chủ đầu tư vẫn giữ nguyên từ 1,5-2%.
Cập nhật đến hết tháng 7/2024, tổng số tiền đã được các ngân hàng giải ngân là 1.344 tỷ đồng, bao gồm 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Trong tổng số 1.344 tỷ đồng đã giải ngân tới chủ đầu tư, người mua nhà, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dẫn đầu doanh số giải ngân với gần 650 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư dự án và hơn 40 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội.
Đại diện ngân hàng cho biết tính riêng trong quý II/2024, Agribank đã phê duyệt cấp tín dụng đối với 3 dự án nhà ở xã hội và tăng giải ngân hơn 150 tỷ đồng tới các dự án và người mua nhà. Dự kiến, trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục cấp tín dụng hơn 1.500 tỷ đồng đến 5 dự án nhà ở xã hội mới tại các địa phương: Bình Định, Hải Phòng, Lâm Đồng và Thái Nguyên.
Đồng thời, Agribank sẽ tiếp tục chủ động tiếp cận các dự án nhà ở xã hội mới theo danh sách phê duyệt của Bộ Xây dựng, qua đó đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư, xây dựng; đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội ngay khi chính sách giảm lãi suất dành cho người mua nhà từ 3-5% có hiệu lực.
Trước đó, yếu tố lãi suất từng được nhắc đến như là một trong những hạn chế khiến cả người mua nhà ở xã hội lẫn doanh nghiệp phát triển loại hình bất động sản này khó tiếp cận vốn.
Ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex đánh giá mức lãi vay theo gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho người lao động hiện vẫn cao và thời gian vay còn ngắn. Do đó, nếu thời gian vay được kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động sở hữu nhà ở xã hội.
Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) lí giải, bản chất gói 120 nghìn tỷ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong đó cơ sở xác nhận lãi suất cho vay và lãi suất cho vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
"Do đó, mặc dù các ngân hàng thương mại dành nguồn lực ưu tiên cho chương trình nhưng mức lãi suất cho chủ đầu tư, người mua nhà vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước", ông Sơn nhấn mạnh.
Mở rộng quy mô gói vay
Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, VietinBank, Agribank và Vietcombank), đã có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần đăng ký tham gia vào gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Quy mô đăng ký tham gia của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng, mở rộng nguồn vốn ưu đãi cho vay nhà ở xã hội lên tới 140.000 tỷ đồng.
Phó Thống đốc cũng cho biết, ngoài giảm thêm lãi suất cho vay đối với người dân mua nhà, Ngân hàng Nhà nước còn đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ xuống còn 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần như hiện tại. Đáng chú ý, sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại. Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư sẽ được giữ nguyên.
Đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng cho biết, Bộ đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện cho người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia cho vay trong gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và nới tín dụng, tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện các thủ tục nghiên cứu, xem xét tăng thời hạn cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 3-5% so với cho vay thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có khả năng tiếp cận vốn.
Bên cạnh đó, nhằm tạo sức hấp dẫn hơn cho chương trình, mở rộng nguồn vốn và có được lãi suất thực sự ưu đãi, ông Đỗ Thanh Sơn kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội với nguồn vốn ưu đãi, huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối. Trên cơ sở nguồn vốn này, lãi suất cho vay có thể xem xét thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trên thị trường.
"VietinBank cam kết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, có kết quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội và người mua nhà", ông Đỗ Thanh Sơn khẳng định.
Trên cơ sở Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã công bố lãi suất cho vay kể từ khi triển khai gói tín dụng này cho đến hết ngày 30/6/2023 là 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2% đối với người mua nhà. Kể từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2023, lãi suất cho vay đã giảm 0,5%/năm so với trước, tức 8,2%/năm đối với chủ đầu tư và 7,7%/năm đối với người mua nhà.
Đến ngày 25/12/2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục công bố mức lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 1/1-30/6/2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5%/năm đối với người mua nhà. Như vậy, so với thời điểm triển khai gói tín dụng này, lãi suất đã giảm tổng cộng 0,7%/năm.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đề xuất tăng gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lên 140 nghìn tỷ đồng với thời hạn cho vay tăng lên và lãi suất giảm đi.
Thủ tướng nêu rõ, đây là một chính sách nhân văn làm cho người nghèo có nhà vì vậy phải có chính sách phù hợp, hợp lý để người dân tiếp cận được gói tín dụng này, nhất là khi 4 luật về đất đai, nhà ở vừa có hiệu lực.