Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp lần đầu tiên đưa ra cơ chế công khai minh bạch thông tin, khẳng định Nhà nước không bao cấp, bù lỗ cho doanh nghiệp nhà nước. Đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, một số khái niệm về vốn đã không còn phù hợp, làm lẫn lộn, sai lệch các loại vốn, tài sản thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu doanh nghiệp. Vì vậy, Luật này cần phải sửa đổi.
Nhiều ý kiến đưa ra những đóng góp về quá trình xây dựng và quan điểm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước hiện nay trong sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và những bài học trong vận hành sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp…
Một số ý kiến nêu lên thực trạng và những kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật này trong đầu tư vào sản suất kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của việc sử dụng vốn và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; kinh nghiệm một số quốc gia Đông Nam Á trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh…
Ông Leif Dustin Schneider, Phó Chủ tịch Tiểu ban pháp luật, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, vốn nhà nước có vai trò quan trọng, các yếu tố mang lại thành công chính là quản lý, kiểm soát để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Việc sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp thương mại có thể mang lại lợi ích nhất định trong kiểm soát đầu tư chiến lược, tăng cường sự ổn định của thị trường, thúc đẩy lợi ích công cộng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Leif Dustin Schneider, khi sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Việt Nam có thể tối đa hóa lợi ích và hạn chế những cạm bẫy của sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp thương mại bằng cách thực hiện cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch; quản lý, giám sát chặt chẽ, bên cạnh tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị và cơ cấu. Bằng cách này, các doanh nghiệp nhà nước có thể nâng cao hiệu quả của mình, cuối cùng mang lại giá trị cho các bên liên quan, đóng góp vào sự phát triển bền vững liên tục của đất nước.
Bà Bùi Thị Hồng Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong quá trình triển khai Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp còn bộc lộ tồn tại, hạn chế, bất cập như: Việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định; phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư, phân phối lợi nhuận sau thuế, bảo tồn và phát triển vốn của doanh nghiệp; các phương thức chuyển giao, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc quản lý sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn…
Vì vậy, khi sửa đổi, các cơ quan chủ trì soạn thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kế thừa, phát huy quy định còn phù hợp thực tế, có tác động tích cực của Luật hiện hành. Theo đó, tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, giảm các công việc sự vụ phải xem xét, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quy định, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, lĩnh vực, nguyên tắc, hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp…