Theo kết quả đánh giá sơ bộ của 17 tỉnh/thành phố, tổng năng lượng tiết kiệm được năm 2021 là 284,1 kTOE (kilotonne tương đương với dầu); trong đó, thành phố Hà Nội là địa phương có mức tiết kiệm năng lượng cao nhất với 122,4 kTOE.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng cho biết, trong năm 2021, bên cạnh việc rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình còn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: xây dựng các mô hình điển hình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dưng mô hình thí điểm sản xuất, kinh doanh hơi tập trung; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; kiểm toán năng lượng 91 cơ sở; xây dựng mô hình quản lý năng lượng 17 cơ sở; công nhận 45 cơ sở sử dụng năng lượng xanh....
Cùng với đó, chương trình còn xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2021, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các hoạt động của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bám sát các mục tiêu đặt ra, đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chương trình đạt được kết quả như: Vận động cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất công nghiệp; khu vực toà nhà và chiếu sáng công cộng. Hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho 65 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, toà nhà, công trình xây dựng thông qua hoạt động kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng,…
Tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế: Công nghệ Năng lượng - Môi trường Hà Nội năm 2021 kết hợp giữa triển lãm truyền thống và triển lãm trực tuyến đảm bảo phù hợp và hiệu quả trong tình hình mới. Công nhận 1.050 gia đình tiêu biểu sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; cộng nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng Năng lượng Xanh theo Tiêu chí của thành phố cho 41 cơ sở.
Theo đánh giá, việc triển khai chương trình đã góp phần tiết kiệm 122,4 kTOE, đạt 1,57% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu. “Việc đánh giá kết quả đạt được, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn, kinh nghiệm trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tiết kiệm năng lượng của cả nước và của từng địa phương sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để hoạt động tiết kiệm năng lượng trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng từng bước đạt chất lượng và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Tại hội nghị, các địa biểu cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chương trình trong năm qua còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt đối với một số tỉnh, thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng. Một số địa phương chưa được bố trí nguồn kinh phí trung ương và địa phương để triển khai chương trình. Việc đầu tư trang thiết bị, cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật và các giải pháp tiết kiệm năng lượng cần nguồn kinh phí lớn, chưa được chú trọng đầu tư.