Hà Nội đưa các công trình xử lý cấp bách sự cố đê điều vào sử dụng trước mùa mưa bão

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến ngày 20/5, các chủ đầu tư đã thi công 16 công trình xử lý cấp bách các sự cố đê điều, thủy lợi, đạt 50-70% khối lượng.

Riêng đối với 6 dự án xử lý sự cố sạt lở đê hữu Bùi, đoạn từ thôn Tiến Tiên (xã Tân Tiến) đến cầu Yên Trình (xã Hoàng Văn Thụ) thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ; xử lý cấp bách sự cố sạt lở đê hữu Bùi, đoạn qua thôn Công An, xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ)… do phải điều chỉnh hồ sơ nên mới thi công đạt 5-10% khối lượng. 

Chú thích ảnh
Những năm gần đây, tình trạng ngập lụt thường xảy ra ở các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai (Hà Nội). Trọng Đạt/TTXVN

UBND huyện Chương Mỹ và Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, đơn vị được giao làm chủ đầu tư và đại diện chủ đầu tư các dự án trên, khẳng định sẽ hoàn thành các công trình này trước mùa lũ chính vụ 2019.

Để bảo đảm an toàn công trình chống lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xử lý sự cố đê điều xảy ra trong năm 2018. 

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, mùa mưa bão năm 2018, trên địa bàn thành phố phát sinh 55 sự cố về đề, kè, sạt lở bờ sông, cống và tràn đê. 

Các địa bàn xảy ra nhiều sự cố đê điều, thủy lợi như: Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì… Trong 55 sự cố nêu trên có nhiều sự cố rất nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến đoạn đê, thậm chí cả tuyến đê bảo vệ hàng nghìn hộ dân, như sự cố đê hữu Bùi, đoạn qua 3 xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ); sự cố sạt lở đê hữu Bùi, đoạn qua thôn Công An, xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ); sự cố sập cống qua đê Đồng Ao, đoạn xã Đông Yên (huyện Quốc Oai)…

Qua kiểm tra thực tế, Hà Nội đã xác định, trong 55 sự cố có 22 sự cố nguy hiểm cần thiết phải đầu tư xử lý theo hình thức khẩn cấp; 33 sự cố còn lại ít nghiêm trọng hơn sẽ đưa vào chương trình đầu tư thường xuyên và trung hạn. Do vậy, ngày 17/1/2019, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư 485,5 tỷ đồng xử lý khẩn cấp 14 công trình trên địa bàn huyện Chương Mỹ và 8 công trình trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hùng Linh, ngay sau khi được đại diện chủ đầu tư là Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn bàn giao mặt bằng, công ty đã huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện, thi công 3 ca/ngày. Sau 1 tháng thi công, đến nay đơn vị đã hoàn thành 45% khối lượng công việc được giao, phấn đấu hoàn thành toàn bộ các hạng mục trước ngày 10/7, kịp thời đưa công trình vào sử dụng trong mùa mưa bão năm 2019…   

Để bảo đảm an toàn công trình chống lũ, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư và đại diện các chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng phương án bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa bão; chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Ngoài ra, các chủ đầu tư, nhà thầu thường xuyên rà soát, điều chỉnh tiến độ, biện pháp thi công công trình phù hợp với diễn biến thời tiết năm 2019…

Nam Giang (TTXVN)
Xây dựng hệ thống đê điều đảm bảo an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Xây dựng hệ thống đê điều đảm bảo an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Cùng với sự phát triển của dân sinh, kinh tế-xã hội, việc xây dựng hệ thống đê điều đảm bảo an toàn, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống thiên tai là vấn đề cấp thiết hiện nay.     

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN