Phát biểu tại Hội nghị giao ban về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (Chương trình 04) tổ chức ngày 13/4, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trong xây dựng nông thôn mới đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quyết tâm đạt được mục tiêu trong lĩnh vực này, bởi đây chính là một trong những khâu yếu của chương trình.
Bên cạnh đó, các sở, ngành và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn; quy hoạch vùng huyện và phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp của các xã trên địa bàn thành phố để làm cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo các mục tiêu chương trình đề ra.
Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các quận tiếp tục nghiên cứu, quan tâm hỗ trợ các huyện của Hà Nội xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn như: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa… Từ đó, phấn đấu năm 2022, có thêm ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, việc phát triển nông thôn mới cần gắn với xây dựng đô thị xanh, văn minh và hiện đại.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong quý I/2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành thành phố; Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, giải pháp linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch COVID-19, tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy.
Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên đến nay, đời sống nông dân đã không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm. Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 75 triệu đồng, Đan Phượng 66 triệu đồng, Gia Lâm 65 triệu đồng, Hoài Đức 64 triệu đồng, Chương Mỹ 62,5 triệu đồng,… Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.
Đến nay, 100% số xã của thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 18 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong năm 2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đánh giá, phân hạng được thêm 595 sản phẩm, đưa tổng số sản phẩm OCOP của thành phố đến nay có 1.649 sản phẩm.
Các hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất, đã và đang ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.
Đến nay, Hà Nội có 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,29%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 91,5%. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Đó là nhiều tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới thiếu bền vững, hạ tầng kinh tế kỹ thuật khu vực nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh...
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới các cấp theo mức độ, trong đó nhiều chỉ tiêu, tiêu chí giao cho các Bộ, ngành trung ương do vậy chưa hoàn thiện được Bộ tiêu chí của thành phố, dẫn đến việc triển khai thực hiện tại cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, thành phố cần quan tâm phát triển làng hoa đào Nhật Tân thành thương hiệu du lịch của Tây Hồ. Cùng với dự án cải tạo khu công viên nước hồ Tây, xây dựng đường Trịnh Công Sơn thành những địa điểm vui chơi, giải trí tiêu biểu của Thủ đô, việc phát triển làng đào Nhật Tân sẽ góp phần giúp quận Tây Hồ gìn giữ và phát triển làng hoa truyền thống của Thủ đô Hà Nội.
Trong khi đó, đại diện Huyện ủy Mỹ Đức đề nghị thành phố quan tâm đầu tư phát triển công nghệ cao; quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước sạch cho người dân…, qua đó hoàn thành xây dựng nông thôn mới và 3 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.