Theo Ngô Thị Thanh Hằng, quy trình liên kết sản xuất, tiêu thụ dược liệu tại nơi đây là nét mới, huyện Sóc Sơn, cũng như các huyện, thị xã có diện tích vùng đồi gò trên địa bàn Hà Nội, cần nghiên cứu, tiến tới nhân rộng mô hình, nhằm mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Đối với huyện Sóc Sơn cần tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao ở những diện tích đất khó khăn canh tác các loại cây trồng khác đến năm 2020 đạt 50 – 70 ha. Cụ thể là tại các xã vùng đồi gò và một số xã có điều kiện sản xuất cây dược liệu tiếp theo nhằm bảo tồn gen và tạo ra sản phẩm xuất khẩu và là điểm tham quan học tập phát triển nông nghiệp hữu cơ - sinh thái bền vững.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị huyện Sóc Sơn duy trì các tiêu chí, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, cũng như tập trung chỉ đạo 5 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới để đến cuối năm 2019 sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Trong buổi làm việc, bà Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn kiểm tra đã thăm khu trồng dược liệu tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), thăm khu vườn bảo tồn giống trà hoa vàng pagoda - một loại dược liệu quý của Việt Nam.
Bắc Sơn là xã miền núi nằm phía Bắc của huyện Sóc Sơn. Đến nay, xã đã hình thành 1 hợp tác xã bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn - tiền thân là Hội Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn được hình thành từ năm 2014.
Mục tiêu của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn là phát triển cây dược liệu định hướng hữu cơ, đạt chuẩn GACP-WHO quốc tế, từng bước mở rộng quy mô liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu, hướng tới hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây dược liệu chuẩn GACP-WHO quốc tế trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Từ 5ha dược liệu được trồng đầu năm 2014, đến nay, hợp tác xã đã phát triển diện tích sản xuất cây dược liệu với quy mô 21ha trên địa bàn xã Bắc Sơn và 5ha tại xã Xuân Giang với các loại cây dược liệu chủ lực như: trà hoa vàng giống pagoda, caminea và các giống cây khác, xuyên khung, khôi tía, bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, phúc bồn tử, kỳ tử…
Kiểm tra chốt kiểm dịch Trung Giã (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn) - chốt kiểm dịch động vật lưu thông giữa Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang..., bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo thành phố Hà Nội là coi khống chế dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và đề nghị trước mắt, các quận, huyện, thị xã; trong đó có huyện Sóc Sơn, cần tập trung huy động mọi nguồn lực để dập dịch.
Báo cáo đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, kể từ khi phát hiện lần đầu tại xã Xuân Thu hồi tháng 3/2019, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 26/26 xã, thị trấn. Tổng đàn lợn bị tiêu huỷ là 44.578/122.657 con (chiếm khoảng 36% tổng đàn lợn của huyện). Khối lượng lợn bị tiêu huỷ hiện đã lên tới trên 3.078 tấn.
Ngay khi dịch bệnh xảy ra, địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Thành ủy – UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đặc biệt là đối với tiêu hủy đàn lợn và hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Đến nay, UBND các xã đã chủ động bố trí ngân sách, hỗ trợ kịp thời theo đúng chủ trương của thành phố cho các hộ có lợn bị tiêu hủy với tổng kinh phí 14,7 tỷ đồng.
Về xây dựng nông thôn mới, hiện nay huyện vẫn triển khai duy trì, giữ vững và hoàn thành 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, 6 tiêu chí huyện nông thôn mới đã đạt gồm: Quy hoạch; điện, y tế- văn hóa- giáo dục, sản xuất; an ninh trật tự xã hội; chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. 3 tiêu chí huyện nông thôn mới cơ bản đạt gồm: Giao thông, thủy lợi và môi trường.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Sóc Sơn kiến nghị với UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới tại 7 xã trên địa bàn.
Đối với tiêu chí môi trường, huyện Sóc Sơn đã hướng dẫn UBND các xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn lập hồ sơ pháp lý về kế hoạch bảo vệ môi trường, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc, tiến độ hồ sơ thực hiện đánh giá hoàn thành tiêu chí môi trường với 5 xã phấn đấu đạt chuẩn 2019.
Hiện nay trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, dột nát. Thu nhập bình quân đầu năm 2018 đạt 43,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,88% theo chuẩn nghèo đa chiều; 92% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi các cấp chính quyền vào cuộc thôi là chưa đủ, phải có sự tham gia sâu rộng của các tổ chức đoàn thể và đông đảo người dân với mục tiêu: Phòng là chính.
Thành uỷ đã có văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư. Do đó, lãnh đạo các cấp uỷ, chính quyền cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng thời, chịu trách nhiệm với cơ quan cấp trên về phòng, chống dịch trên địa bàn.