Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của người dân. Chi cục đã phối hợp với chính quyền các huyện tập trung khống chế dịch, khoanh vùng phun hóa chất làm vệ sinh môi trường; đồng thời, lập các chốt kiểm dịch, ngăn chặn các hình thức vận chuyển, buôn bán gia súc ở địa bàn vùng dịch. Song song đó, tuyên truyền trong nhân dân, các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch, bệnh.
Theo thống kê, đầu từ tháng 9/2020 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát trên địa bàn 26 xã thuộc 7 huyện, huyện thị, thành phố làm 423 con lợn mắc bệnh, ốm chết, phải tiêu hủy với trọng lượng 22.662 kg. Đặc biệt sau khi xảy ra trận mưa, lũ lịch sử vào hồi tháng 10 đã làm cho môi trường ô nhiễm, thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và lây lan.
Tại xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) sau trận lũ đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở hộ anh Hoàng Kim Dũng thuộc thôn 3 làm cho 112 con lợn bị ốm, bỏ ăn rồi chết buộc phải tiêu hủy. Sau đó, dịch tả lợn châu Phi đã lây nhanh ở 10 xã của huyện Cẩm Xuyên buộc huyện này phải tiêu hủy gần 200 con lợn, tương đương trên 7.600 kg của 20 hộ.
Lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên cho biết, do môi trường sau mưa lũ ở các xã bị ô nhiễm trầm trọng, mặc dù đã chủ động phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng và triển khai các biện pháp phòng chống, tuy nhiên dịch bệnh đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Hiện tại huyện Cẩm Xuyên đã siết chặt việc mua, bán nguồn thức ăn cũng như các sản phẩm, giống gia súc; cùng với đó lập chốt kiểm dịch ngăn chặn việc buôn, bán trái phép nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về chăn nuôi cho người dân.
Thực tế cho thấy dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hà Tĩnh chủ yếu là trong các trang trại nhỏ và các hộ chăn nuôi trong nhân dân. Các trang trại, mô hình chăn nuôi lớn đều được triển khai phòng chống nghiêm ngặt từ việc kiểm tra nguồn giống đến thức ăn, thực phẩm chăn nuôi cũng như việc vệ sinh môi trường nên bước đầu ngăn chặn được lây lan dịch, bệnh.
Tỉnh Hà Tĩnh yêu các các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch, bệnh khác, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Các địa phương cũng thành lập các đoàn công tác chủ động giám sát để kiểm tra thường xuyên tại các hộ dân, hộ chăn nuôi việc giết mổ tại cơ sở, hậu kiểm tại chợ, quá trình vận chuyển lợn, đặc biệt là lợn giống khi đưa về nuôi trên địa bàn.
Tỉnh cũng khuyến cáo nhân dân và các hộ chăn nuôi không tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, an toàn về môi trường nuôi, thực hiện tốt việc phòng, chống dịch trong trang trại lớn nhằm đảm bảo nguồn cung con giống để phát triển chăn nuôi và số lượng lợn thịt ra thị trường cuối năm.