Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, thời gian qua, tỉnh đã luôn đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Hội nghị là cơ hội để tỉnh lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp FDI từ đó giúp tỉnh có các chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ý kiến các doanh nghiệp tập trung vào 11 nhóm vấn đề, chủ yếu là: bất cập hạ tầng giao thông, thắc mắc về bảo hiểm xã hội, vướng mắc giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, thực hiện các quy định về bảo đảm phòng cháy chữa cháy, các ưu đãi đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư ngoài khu công nghiệp, các thủ tục, hồ sơ cấp phép xây dựng dự án, tình hình cung cấp điện, cơ chế cho các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp…
Công ty cổ phần Silk Road Hà Nội (tại Khu công nghiệp Đại An) kiến nghị: Doanh nghiệp chúng tôi nằm cuối ở đường Vũ Công Đán. Con đường này hiện nay quá nhỏ hẹp, trong khi lưu lượng người và phương tiện qua đây rất đông. Mỗi ngày doanh nghiệp có hơn 100 chuyến xe chở hàng hóa ra vào nên việc tắc nghẽn giao thông ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Cơ quan chức năng có giải pháp sớm giải tỏa điểm nghẽn giao thông tại đường Vũ Công Đán. Đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết, năm 2023, khó khăn này sẽ được giải quyết.
Trong khi đó, Công ty TNHH Ilsung Việt Nam tại cụm công nghiệp Nhân Quyền, huyện Bình Giang cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang đề nghị được làm đường nối đường tỉnh 392 vào công ty để thuận tiện cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương cho biết doanh nghiệp gửi hồ sơ về Sở, sẽ giải quyết không quá 5 ngày.
Về khó khăn trong giải phóng mặt bằng được chủ đầu tư cụm công nghiệp Hưng Long - Hồng Phúc, Ninh Giang nêu, lãnh đạo huyện Ninh Giang cho hay hiện còn có 3 hộ dân chưa đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Huyện đang triển khai các quy trình thủ tục đúng với pháp luật.
Thông tin về tình hình cung cấp điện, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương Phạm Trung Nghĩa cho biết đã xây dựng phương án, đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống lưới điện; duy tu bảo dưỡng trạm biến áp, xây dựng phương án để hạn chế tối đa mất điện ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Đại diện Điện lực Hải Dương cũng kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, điều tiết phụ tải.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị ngành điện phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghiệp Đại An sớm đầu tư trạm biến áp tại đây. Lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng thẳng thắn nhìn nhận: Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn có hạn chế, chưa tạo được sự thông thoáng cần thiết. Một số vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp chưa được xử lý, tháo gỡ kịp thời, thỏa đáng. Nguyên nhân của hạn chế này do cơ chế, chính sách chung; song phần nhiều xuất phát do nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan nhà nước, từ đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cam kết tiếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, sát cánh cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Đức Thắng nhấn mạnh: “Đối với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong phạm vi của tỉnh, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết nhanh, dứt điểm; còn đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, tỉnh sẽ tiếp thu và có kiến nghị tháo gỡ kịp thời”.
Ông Trần Đức Thắng yêu cầu các sở, ngành, từng địa phương tạo bước chuyển biến đột phá, đi vào thực chất về cải cách hành chính; đảm bảo tính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực của cộng đồng các doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai các giải pháp phục hồi, cơ cấu lại thị trường lao động gắn với nâng cao chất lượng đào tạo lao động. Cùng đó, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; xử lý hiệu quả vướng mắc của doanh nghiệp; thay đổi tư duy từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ; giám sát việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các cán bộ sách nhiễu phiền hà.
Đối với các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng nêu rõ: bên cạnh các doanh nghiệp FDI chấp hành tốt chính sách, pháp luật, vẫn còn có doanh nghiệp vi phạm quy định về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, các khoản thuế, phí với nhà nước, bảo vệ môi trường… Một số nhà đầu tư chậm triển khai dự án, để đất lãng phí gây dư luận bức xúc trong nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các doanh nghiệp FDI chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh, đổi mới cách quản lý; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao thu nhập đời sống người lao động; khắc phục và sớm chấm dứt những tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến nay, tỉnh Hải Dương có 496 dự án FDI với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng 11 cả nước. Số nhà đầu tư đến từ các nước châu Á chiếm 90%; trong đó, nhà đầu tư Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 40%; Nhật Bản chiếm 16,3%, Hàn Quốc chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư đăng ký....
Các doanh nghiệp FDI hiện đang đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Khối doanh nghiệp FDI cũng là các doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nhiều sản phẩm mới cho hàng hoá sản xuất tại địa phương và là điểm sáng trong đóng góp vào ngân sách tỉnh, hàng năm luôn chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách của địa phương.
Về định hướng thu hút đầu tư thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết sẽ thu hút có chọn lọc, chỉ tập trung ưu tiên những nhà đầu tư có tiềm năng, tiềm lực về vốn, công nghệ cao, trình độ quản lý và bảo đảm môi trường.
Lĩnh vực ưu tiên là công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất đai, thân thiện với môi trường. Tỉnh kiên quyết không tiếp nhận các dự án quy mô nhỏ lẻ, suất đầu tư thấp, sử dụng công nghệ trung bình, lạc hậu, các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư đánh giá cao nỗ lực của Hải Dương trong cải thiện môi trường đầu tư. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lưu ý, Hải Dương cần chuẩn bị tích cực nhất, ưu đãi về thủ tục hỗ trợ đầu tư, về nhân lực… để đón được dòng sóng đầu tư mới dự kiến sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới.
Dịp này, tỉnh Hải Dương đã vinh danh 24 doanh nghiệp FDI có kết quả kinh doanh tốt, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh trong thời gian qua.