Hải Dương: Phát huy lợi thế để thu hút vốn FDI

Với dự án Nhiệt điện Hải Dương vừa được khởi công xây dựng có tổng vốn đầu tư trên 2,2 tỷ USD, từ đầu năm đến nay, tỉnh Hải Dương đã thu hút trên 2,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện Hải Dương trở thành một trong những tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước trong năm 2011.

* Phát huy lợi thế

Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, giáp với 6 tỉnh, thành là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình. Tỉnh có nhiều tuyến giao thông quốc gia đi qua như tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, Quốc lộ 5, 18, 37, ; nhiều tuyến đường cao tốc đã và đang chuẩn bị khởi công xây dựng chạy qua địa bàn tỉnh như: cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Hạ Long tạo ra những ưu thế lớn về giao thông cho Hải Dương. Tỉnh còn có diện tích tự nhiên hơn 1.600 km2 với dân số trên 1,7 triệu người là địa phương đứng thứ 3 trong khu vực vùng đồng bằng sông Hồng về diện tích và thứ 4 về dân số.

Hải Dương trở thành một trong những tỉnh thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước trong năm 2011. Ảnh Internet.

Với vị trí nằm giữa tam giác động lực phát triển kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đã tạo cho Hải Dương có tiềm năng, lợi thế nổi bật để thu hút phát triển nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ ven biển như: công nghiệp bổ trợ ngành cơ khí đóng tàu, công nghiệp sản xuất kim loại, công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, dịch vụ vận chuyển, cảng nội địa, khu hậu cần (logistic), xuất nhập khẩu hàng hoá và công nghiệp dịch vụ…Không chỉ lợi thế về vị trí địa lý, Hải Dương còn có một nguồn nhân lực dồi dào với số người nằm trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi) năm 2010 chiếm 64,62% dân số toàn tỉnh. Nguồn lao động tại Hải Dương vốn có sức khỏe, có truyền thống cần cù, hiếu học, khéo léo, tiếp thu nhanh kỹ thuật là vốn quí để đào tạo, huy động tham gia phát triển sản xuất, phát triển các ngành kinh tế xã hội của tỉnh.

* Tập trung thu hút đầu tư nước ngoài

Với lợi thế trên, lãnh đạo tỉnh Hải Dương luôn xác định FDI là nguồn vốn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ưu tiên thu hút các dự án FDI có quy mô đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn; dự án sản phẩm có sức cạnh tranh; dự án sản xuất định hướng xuất khẩu; dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ; dự án sản xuất có sử dụng thế mạnh về nguyên liệu của địa phương.

Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ XV của tỉnh với mục tiêu tổng quát đã được đề ra là “huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo nền tảng để đến năm 2020 Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp”.

Để thực hiện được mục tiêu đó, một trong những giải pháp quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 của Hải Dương là tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, tìm cơ hội đầu tư vào tất cả các ngành nghề mà luật pháp không cấm, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường. Các lĩnh vực được ưu tiên như: công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, sản xuất vật liệu mới, thiết bị tự động hóa, công nghệ sinh học; hàng thủ công mỹ nghệ; công nghiệp phụ trợ; xây dựng cơ sở hạ tầng; các loại hình dịch vụ, thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, y tế, tài chính, bưu chính viễn thông; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao; phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và sản phẩm xuất khẩu.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, Hải Dương tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nỗ lực cải cách hành chính, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; hạ tầng về giao thông vận tải, đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp của tỉnh đang và sẽ được đầu tư lớn hơn nhiều so với các năm trước.

Cùng với đó, để đảm bảo môi trường đầu tư, tỉnh Hải Dương đã đề ra những chính sách khá rõ ràng và cụ thể như: không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án, cân nhắc tỷ suất đầu tư trên diện tích đất, kể cả đất KCN. Bên cạnh đó, yêu cầu các sở, ngành nâng cao vai trò trong khâu thẩm định dự án, có những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật để ngăn các dự án công nghệ lạc hậu và tác động xấu đến môi trường.

Nhằm thu hút đầu tư, tỉnh Hải Dương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, Chính phủ cho phép quy hoạch, đầu tư xây dựng 18 khu công nghiệp tập trung với diện tích quy hoạch gần 4.000 ha; trong đó 10 khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 2.086 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khu công nghiệp đã được giao đất và xây dựng hạ tầng đạt khoảng 60%. Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch gần 40 cụm công nghiệp với diện tích gần 1.600 ha. Từ đầu năm 2011 tới nay, tỉnh Hải Dương đã thu hút 2 tỷ 554 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện tỉnh có 221 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5 tỷ 162,3 triệu USD . Tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 1 tỷ 895,3 triệu USD, đạt 36,7% tổng vốn đầu tư, thu hút trên 98 nghìn lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng nghìn lao động gián tiếp khác.

Tập trung thu hút đầu tư nước ngoài đã khẳng định hướng đi đúng của lãnh đạo tỉnh Hải Dương bởi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Riêng năm 2010 các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đóng góp 97 triệu USD cho ngân sách, chiếm 42,4% tổng thu ngân sách trên địa bàn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD chiếm 96% tổng kim ngạch xuất khẩu; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.545 tỷ đồng, chiếm 43% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động./.



Mạnh Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN