Hạn chế tình trạng mua bán dự án trên giấy

Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (ảnh) (đoàn Vĩnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP ống thép Việt - Đức) xung quanh những tác động của Luật Đất đai (sửa đổi) đối với doanh nghiệp.

 

 

Thưa ông, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về Luật Đất đai sửa đổi lần này?


Luật Đất đai sửa đổi lần này có nhiều điểm tốt hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên theo tôi vẫn còn một số điểm cân nhắc lại phù hợp hơn. Theo từng thời điểm phát triển, Luật Đất đai cũng cần có chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình.


Đất đai là nguồn lực chính để phát triển kinh tế xã hội. Đối với doanh nghiệp, nếu như thực hiện đúng như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn và đi đúng hướng, thực chất; không như vừa rồi, có thời gian là phát triển “bong bóng”, mua đi bán lại đất cũng mang lại lợi nhuận và nhiều tiểu gia, đại gia hình thành từ đây. Thực tế, kiểu mua đi bán lại đó toàn mua trên giấy và bán đất nền. Luật Đất đai lần này cũng đã quản lý chặt hơn hiện tượng như vậy.


Đối với doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế xã hội nếu làm đúng sẽ bảo vệ cho cả người thực hiện dự án và người dân.

 

Theo ông, giá đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đáp ứng thực tế và hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp?


Thực tế giá đất có rất nhiều bất cập và là vấn đề khó bởi giá đền bù giữa các tỉnh giáp ranh và ngay trong một tỉnh đã có giá đền bù khác nhau. Từ đó dẫn đến quyền lợi của dân không bao giờ đồng đều. Tất cả đều vận hành theo quy luật thị trường cung - cầu. Thực tế, giá đất đang có nhiều vấn đề dẫn đến việc giải phóng mặt bằng bị vướng. Ví dụ như tại Hà Nội đang mở rộng các tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhưng đền bù cho dân rất khó nếu tiến hành theo phương thức thỏa thuận. Do đó cũng nên quy rõ trách nhiệm của người dân cũng như trách nhiệm của Nhà nước trên nguyên tắc bảo đảm tuyệt đối quyền lợi, tài sản của người dân. Đây là vấn đề cốt lõi.


Tôi đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng phải tách riêng rẽ các dự án thu hồi vì an ninh quốc phòng, mục đích công cộng, phát triển kinh tế xã hội. Ví dụ như phát triển giao thông giải quyết ùn tắc thì người dân có trách nhiệm cùng với Nhà nước giải quyết vấn đề này, lúc đó không thể thỏa thuận giá vì sẽ bế tắc. Nhưng với dự án để xây dựng chung cư thương mại, siêu thị… mang lại lợi ích kinh tế thì phải tính giá thỏa thuận theo giá thị trường. Nếu không tách bạch rõ ràng sẽ dẫn đến kiện tụng, tham nhũng.

 

Vậy trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ông còn băn khoăn điểm nào?


Tôi băn khoăn nhất là việc quy định thực hiện xong dự án, mới được bán. Điều này khó thực hiện trên thực tế. Vấn đề ở đây là chúng ta phải quản lý dự án theo mô hình dự án được duyệt, còn nguồn vốn là phải do xã hội. Nếu quy định làm xong dự án bất động sản mới được bán là khó thực hiện vì trên thực tế theo tôi không nhà đầu tư nào đủ thực lực để làm dự án. Chủ dự án là người tổ chức thực hiện, còn tài sản dự án là của người sử dụng và được huy động tối đa sự tham gia các nguồn lực.

 

Tuy nhiên, quy định này xuất phát từ thực tế gần đây có nhiều “dự án treo”?


Ở đây vẫn là câu chuyện quản lý, liên quan vấn đề tiền. Một chủ dự án làm xong tất cả mới bán thì không bao giờ làm được. Đã quản lý phải có lộ trình, quản lý theo luật. Khi thực hiện dự án phải tính tất cả khả năng thị trường, tiêu dùng, khả năng quay vòng vốn.


Còn dự án treo là do phát triển quá tràn lan không có định hướng, không theo quy hoạch rồi rơi vào tình trạng mua đi bán lại. Đó là khi thị trường bất động sản phát triển nóng nhưng vấn đề ở đây đang bàn đến thực tế phát triển đô thị của một đất nước dựa trên cung cầu phải có thật. Nếu là dự án treo phải thu ngay và chuyển đổi dự án. Đây là vấn đề quản lý ra sao đối với các dự án này và phụ thuộc vào năng lực của cơ quan quản lý.


Xin cảm ơn ông!


Xuân Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN