Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, hiện trên 4.800 ha cà phê bị nhiễm bệnh rệp sáp; trong đó, nhiều diện tích bị nhiễm nặng. Nguyên nhân được xác định do thời tiết nắng nóng kéo dài, sau đó mưa đầu mùa tạo môi trường nóng ẩm, kích thích bệnh rệp sáp phát triển mạnh.
Ông Hoàng Văn Ga ở xã Ia Nan, Đức Cơ cho biết, gia đình ông có khoảng 30% diện tích cà phê bị rệp sáp tấn công, dù đã phun thuốc nhiều lần nhưng không hiệu quả. Theo dự đoán, những diện tích cà phê bị rệp sáp chắc chắn năng suất giảm từ 70 - 100%.
Tại huyện Ia Grai, một trong những địa phương có diện tích cà phê nhiễm rệp sáp tăng cao, tập trung ở các xã Ia Sao, Ia Hrung, Ia Yok,... Tính đến 11/3, gần 200 ha bị nhiễm bệnh với tỷ lệ thiệt hại 50%.
Theo lý giải của ông Đỗ Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai, bệnh rệp sáp phát triển do nắng nóng và mưa đầu mùa tạo môi trường thuận lợi. Để đối phó và phòng ngừa những tác hại của bệnh rệp sáp gây ra, ngành chức năng khuyến cáo đối với những diện tích bị nhiễm rệp sáp nặng cần cắt bỏ những cành cà phê bị nhiễm để tránh lây lan; áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ bệnh rệp sáp cho diện tích nhẹ; cân nhắc kỹ trước khi mở rộng diện tích trồng cà phê.
Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai cho biết, ngành trồng trọt đã đi kiểm tra và hỗ trợ người dân thực hiện đồng bộ các kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trừ bệnh rệp sáp. Đối với những diện tích bị nặng, người dân nên cắt bỏ, thu gom và tiêu hủy. Đối với những diện tích bị nhẹ, người dân triển khai các biện pháp đồng bộ để phòng trừ.
Với tổng diện tích trên 105.000 ha, cà phê là cây trồng chủ lực đặc trưng của người nông dân Gia Lai. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài làm thiếu nguồn nước tưới, thêm vào đó bệnh rệp sáp đang hoành hành khiến cây cà phê đứng trước nguy cơ mất mùa cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.