Thời điểm này những năm trước, vườn chôm chôm 0,4 ha của gia đình ông Trịnh Công Nghiệp, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè vào vụ thu hoạch rộ nhưng năm nay vẫn chưa có thương lái đến đặt mua.
Nguyên nhân là hạn, mặn xâm nhập và kéo dài khiến diện tích chôm chôm gia đình ông bị thiếu nước tưới trầm trọng. Mặc dù trước đó, khi được ngành nông nghiệp dự báo tình hình hạn, mặn năm nay, ông thường xuyên theo dõi độ mặn để dự trữ nước ngọt vào mương tưới dần, nhưng vườn chôm chôm vẫn bị cháy lá, rụng lá và rụng trái.
Nếu như những năm trước, vườn chôm chôm này thường cho sản lượng khoảng 7 tấn thì năm nay chỉ còn vài trăm kg. Không những năng suất giảm, chất lượng cũng giảm, quả nhỏ, vị chua nên dù ông chỉ bán giá 5.000 đồng/kg (chưa bằng nửa giá năm trước) vẫn không có thương lái đến mua.
Cùng cảnh ngộ, ông Tạ Văn Năm, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cũng đang lo lắng vì vườn chôm chôm 1,2 ha của gia đình ông bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Vụ sản xuất năm nay, gia đình ông trắng tay không có thu nhập.
Hiện nay, hầu hết các vườn chôm chôm ở Cù lao Tân Qui này đều bị thiệt hại từ 70-100%, vì vậy, sau 1 năm đầu tư sản xuất, nhiều nhà vườn đành chịu cảnh trắng tay.
Ông Phan Hồng Ka, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết, cù lao Tân Qui có khoảng 250 ha cây ăn trái chủ yếu là chôm chôm bị thiệt hại do xâm nhập mặn, khiến nhà vườn thất thu nặng nề. Để hỗ trợ người dân, địa phương đã thống kê danh sách các hộ bị thiệt hại để đề xuất các ngành, các cấp có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất tỉnh Trà Vinh, với gần 9.000 ha, chiếm khoảng 50% diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh. Mỗi năm, sản lượng các loại như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, cam sành, bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài… đạt trên 130.000 tấn, đem lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương hàng trăm tỷ đồng.
Bà Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết, mùa khô 2019-2020, mặn xâm nhập sớm và lấn sâu ảnh hưởng nhiều diện tích cây ăn trái của huyện. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, toàn huyện có 583 hộ bị thiệt hại gần 270 ha cây ăn trái; trong đó hơn 2 ha bị thiệt hại trên 70% diện tích. Diện tích bị thiệt hại chủ yếu ở xã An Phú Tân, với tổng diện tích hơn 2 ha của 582 hộ, hầu hết các hộ bị thiệt hại trên 70% diện tích.
Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu kè đã để xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh hỗ trợ các nhà vườn khắc phục thiệt hại, tái sản xuất, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nông dân cũng rất cần ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ kỹ thuật để khôi phục các diện tích vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn, mặn năm nay.