Phân cấp địa phương quản lý quốc lộ
Tại Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu đơn vị trực thuộc phối hợp, khẩn trương hoàn thành các văn bản Nghị định, Thông tư dưới luật, hướng dẫn, triển khai các bước theo quy trình để phân cấp quản lý quốc lộ cho các địa phương ngay khi Luật Đường bộ có hiệu lực.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ đầu năm đến nay, nhưng Bộ GTVT đã bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai và đảm bảo các mục tiêu đề ra. Trong đó, vấn đề nổi cộm hiện nay là việc tháo gỡ thủ tục khai thác cát biển phục vụ nguồn vật liệu đắp nền đường tại các dự án giao thông trọng điểm, nhằm rút ngắn thời gian cán đích các dự án từ 3 - 6 tháng và hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua hiệu lực thi hành Luật Đường bộ, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm thiểu thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ GTVT xác định 6 tháng cuối năm sẽ hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông, Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Nghị định thu phí sử dụng đường cao tốc, Nghị định thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện, hoàn thành trình trước ngày 15/8/2024.
"Việc xây dựng các văn bản Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực thi Luật phải bảo đảm triển khai vào thực tế ngay khi Luật có hiệu lực; phân cấp quản lý quốc lộ cho các địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đối với công tác quản lý hoạt động vận tải, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp vận tải phối hợp với địa phương bảo đảm đầy đủ phương tiện phục vụ an toàn, thuận lợi nhu cầu đi lại của người dân trong trong dịp cao điểm hè, dịp nghỉ Lễ 2/9, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhất là các vấn đề thanh tra, kiểm soát giá vé máy bay, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định; quản lý nghiêm việc điều phối, sử dụng slot của các hãng hàng không, hoạt động vận tải.
Đảm bảo tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng 6 tháng cuối năm, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương triển khai đúng tiến độ dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo chủ trương của Quốc hội; xây dựng kế hoạch rút ngắn tiến các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II2021-2025, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 4 Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đúng kế hoạch...
Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt, hoàn thành đưa vào khai thác 4 dự án, trong đó có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt. Qua đó đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I 2017 - 2020, nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ TP Hồ Chí Minh đến Nha Trang, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 2.000 km...
Nhiều dự án giao thông lớn vẫn "nghẽn" mặt bằng
Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công các công trình trọng điểm và cao tốc Bắc Nam giai đoạn II chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các dự án nếu không sớm có biện pháp tháo gỡ, nhất là tại các địa phương: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang...
Đơn cử, các nhà thầu thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang cho biết, dự án có chiều dài khoảng 77 km, chia thành 6 gói thầu xây lắp (từ gói XL19 đến XL24). Trong đó, gói thầu XL24 thi công 22 cây cầu với tổng trị giá khoảng 736 tỷ đồng, công địa thi công trải dài 77 km trên toàn tuyến. Khởi công từ tháng 10/2023, đến nay, nhà thầu mới chỉ được bàn giao 50% mặt bằng so với yêu cầu, đường công vụ khó tiếp cận.
Hay dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I dài gần 54 km, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai là hơn 34 km theo kế hoạch sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025, khai thác đồng bộ năm 2026. Song, đến nay, công tác GPMB đối với đoạn qua TP Biên Hòa mới bàn giao cho chủ đầu tư gần 20/60 ha, đạt hơn 33% tổng diện tích.
Dự án cao tốc lớn đang được triển khai ở miền núi Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn I cũng đang gặp không ít vướng mắc về mặt bằng thi công. Dự án dài hơn 93 km đi qua 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Đến thời điểm nay, công tác GPMB tại Cao Bằng mới đạt 35,36/41,55 km, tương đương 85%; còn tỉnh Lạng Sơn mới được bàn giao hơn 7/52 km, tương đương 13%...
Liên quan đến công tác GPMB các dự án giao thông trọng điểm, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục chỉ đạo, đề nghị các địa phương có dự án đi qua bám sát các mốc tiến độ, đẩy nhanh tiến độ GPMB. Cụ thể, các địa phương được yêu cầu tăng cường làm việc trực tiếp với người dân tái định cư, vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân; phối hợp với các chủ đầu tư ưu tiên GPMB tại các vị trí quyết định tiến độ dự án như: Khu vực xử lý nền đất yếu, công trình cầu, hầm lớn, khu vực đường tiếp cận thi công... theo hướng có mặt bằng đến đâu thi công đến đó, đảm bảo tiến độ.