Năm 2016, Thừa Thiên - Huế tiếp tục "gặt hái" những thành quả trong công tác bảo tồn di sản bằng việc "Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế" đã được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận là Di sản ký ức thế giới. Đây là di sản thứ 5 của Huế được công nhận trong vòng hơn 20 năm qua; trước đó các di sản: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Hai vị khách là bà Pfister Nelda và ông Greber Rolan, Quốc tịch Thụy Sĩ là người may mắn được nhận quà tặng thứ 2,5 triệu đến tham quan khu Di sản Huế. Ảnh minh họa: Quốc Việt/TTXVN |
Để khai thác tốt lợi thế trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chủ động quảng bá thương hiệu "Huế - một điểm đến 5 di sản" để du lịch Huế thực sự mạnh với "di sản trong di sản", trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Theo đó, Trung tâm đã rất nỗ lực đưa Đại Nội Huế từ trạng thái cứu nguy khẩn cấp theo khuyến nghị của UNESCO sang giai đoạn phát triển và phát huy giá trị di tích như hiện nay. Năm 2016, Trung tâm đã đầu tư 129 tỷ đồng trùng tu các di tích Huế, làm sống lại nhiều di tích vốn đã xuống cấp trầm trọng. Với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay đã có khoảng 130 công trình di tích đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn. Các công trình tiêu biểu sau thời gian hư hỏng đã hồi sinh như Kỳ Đài, Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, Đông-Tây Khuyết Đài, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc (khu vực đàn chính), tổng thể lăng Vua Gia Long, một số công trình thuộc lăng Vua Minh Mạng, lăng Vua Thiệu Trị, lăng Vua Tự Đức, lăng Vua Khải Định, tổng thể chùa Thiên Mụ, 10 cổng Kinh Thành, tường thành mặt Nam và Quan Tượng Đài, sông Ngự Hà... Tổng kinh phí trùng tu di tích đã thực hiện khoảng 1.200 tỉ đồng, trong đó tài trợ quốc tế hơn 90 tỉ đồng.
Bên cạnh sự hồi sinh của di tích, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện nhiều hoạt động thu hút du khách như các chương trình "lễ đổi gác", hoặc cảnh "đám cưới trong Hoàng cung" và các trò chơi "Xăm hường" hàng ngày để thu hút khách tham quan. Đặc biệt, nhà hát Duyệt Thị Đường, vốn là nhà hát trong hoàng cung xưa nay được khôi phục lại và tổ chức 4 suất diễn/ngày phục vụ khách tham quan. Từ năm 2003 đến nay (sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của thế giới), nhà hát Duyệt Thị Đường có trên 40 bài nhạc lễ, nhiều tiết mục múa Cung đình đặc sắc được sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn, đưa Nhã nhạc Huế từ chốn cung đình đến với công chúng và khách du khách.
Điểm mới trong năm 2017 là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa bán vé tham quan Hoàng cung Huế vào buổi tối, từ 18 giờ 30 đến 22 giờ hàng ngày, nhằm tạo thêm dấu ấn cho du khách khi đến Huế. Tuyến tham quan Hoàng cung Huế về đêm dự kiến là: Ngọ Môn - điện Thái Hòa - Thế Miếu - cung Diên Thọ - cung Trường Sanh - lầu Tứ Phương Vô Sự; đồng thời kết hợp với trục phía đông Duyệt Thị Đường - khu Phủ Nội Vụ.
Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết: Việc mở cửa về đêm sẽ tạo điều kiện để du khách có thêm thời gian khám phá cố đô Huế, nhất là trong không gian huyền ảo lung linh của Hoàng cung. Du khách sẽ tránh được cái nắng nóng oi ả của mùa hè, đồng thời có thêm thời gian để trải nghiệm tại các không gian văn hóa được tổ chức bên trong Hoàng cung. Ngoài ra, Trung tâm đang nghiên cứu tổ chức thêm một số hoạt động trưng bày, giới thiệu, diễn giải về các giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng... của xứ Huế, chủ yếu là các giá trị tiêu biểu của văn hóa cung đình, với những hoạt động chính như: lễ đổi gác, trình diễn Đại nhạc, Tiểu nhạc, trung tâm diễn giải tín ngưỡng thờ cúng cung đình tại Hiển Lâm Các, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại cung Trường Sanh, Nhã Nhạc ở Duyệt Thị Đường, thao diễn các nghề truyền thống ở Phủ Nội Vụ...
Khai thác không gian Đại Nội Huế về đêm làm phong phú, hấp dẫn hơn tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản", đó không chỉ thương hiệu vốn có của riêng Huế trên phương diện bảo tồn di sản mà còn là làm mới sản phẩm cho ngành du lịch của vùng đất Cố đô. Với sự thay đổi này, Huế sẽ khai thác và phát huy tốt các kho tàng di sản vô giá mà các thế hệ cha ông đã trao truyền lại, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định...