Ông Nguyễn Thành Huy - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển vào ngày 29/5/2019 và lan ra 2.507 hộ dân, chiếm 13,5% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh. Dịch đã xuất hiện tại 85/101 xã, phường, thị trấn, chiếm 84% đơn vị cấp xã của 9/9 huyện, thành phố. Số lợn bệnh chết phải tiêu hủy là 11.595 con với tổng trọng lượng trên 746 tấn. Từ ngày 27/3 đến nay, 85 xã có ổ dịch đã qua 30 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh. Cà Mau khẳng định cơ bản chấm dứt bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cà Mau là một trong những tỉnh, thành có số lượng tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, không vì thế mà ngành chức năng và người dân có thể chủ quan, lơ là trước tình hình trên. Bởi theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát lại sau 30 ngày tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, hiện giá lợn hơi đang tăng cao, nhiều nơi tái đàn nhanh trong khi việc áp dụng biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế, nhất là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao - ông Huy cảnh báo.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi lợn trên địa bàn phần lớn là theo nông hộ nhỏ lẻ với kinh nghiệm truyền thống. Điều này hạn chế trong việc áp dụng kỹ thuật, khoa học dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm không cao và ảnh hưởng lớn đến khả năng quản lý, ứng phó khi xảy ra dịch bệnh.
Chăn nuôi tại Cà Mau có nhiều bất lợi do vị trí địa lý ở xa các vùng cung cấp nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ nên chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận thấp, không cạnh tranh được trên thị trường; sản phẩm chỉ được tiêu thụ nội tỉnh. Bởi vậy, rất khó để khuyến khích được người dân đầu tư phát triển sản xuất lớn, đặc biệt là trang trại chăn nuôi tập trung.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; trong đó, nuôi trồng thủy sản là thế mạnh, nguồn quỹ đất hạn chế, điều kiện vốn đầu tư rất khó khăn... nên việc phát triển trang trại chăn nuôi tập trung còn khá chậm. Hiện tổng đàn lợn tái đàn đến thời điểm này của Cà Mau là 46.000 con. Tuy nhiên, hiện con giống đang khan hiếm và giá tăng cao nên việc tái đàn gặp không ít khó khăn.
Theo ông Dương Hữu Tảng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Cà Mau, dịch tả lợn châu Phi làm giảm 12% tổng đàn, gây mất cân đối cung cầu, đẩy giá lợn tăng cao kỷ lục. Thực hiện kế hoạch tái đàn ngay từ bây giờ là rất cần thiết, bởi khi tăng số lượng thì cung cầu sẽ cân đối, giá giảm là tất yếu.
Trước thực tế trên, các đại biểu đề xuất tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang hướng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Các huyện, thành phố chỉ đạo địa phương tiến hành rà soát nắm lại tổng đàn lợn trên địa bàn; hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã và thông báo với chính quyền địa phương trước khi nuôi tái đàn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nhấn mạnh, dịch bùng phát đã bộc lộ nhiều nhược điểm trong cách thức chăn nuôi hiện nay. Nhiều địa phương lúng túng khi thống kê tổng đàn lợn hiện có, bị động trong phòng chống dịch. Hiện vẫn chưa xác định được đường lây lan chính của dịch bệnh để ngăn chặn, trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi lợn ngay trong nhà là mối nguy hại trong phòng chống dịch. Những khó khăn này cần nhận diện để xử lý phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thời gian tới.
Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiềm chế là cơ hội để Cà Mau nhanh chóng quy hoạch lại hình thức chăn nuôi còn nhiều hạn chế này. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần nhanh chóng tập trung nghiên cứu sắp xếp lại bố cục kế hoạch, quy hoạch chăn nuôi tập trung; tổ chức chăn nuôi lại quy mô nhỏ, chăn nuôi hộ gia đình.
Trong tái đàn cần đánh giá tình hình để dự báo và đưa ra kế hoạch cụ thể, chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học. Đối với việc quản lý vận chuyển, giết mổ và kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn, cần rà soát lại quy hoạch, bổ sung đầu tư xây dựng điểm giết mổ lợn tại các huyện còn thiếu; thực hiện nghiêm, đầy đủ an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở phân phối, giết mổ và phương tiện vận chuyển; tăng cường quản lý cơ sở giết mổ và các trạm chốt nhập tỉnh.
Hiện một số tỉnh, thành trên địa bàn cả nước có dấu hiệu tái phát dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, nắm chặt tình hình với trọng tâm “tập trung phát triển sản xuất nhưng không quên nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh”.