Nhằm đưa ra cảnh báo sớm cho doanh nghiệp, ngày 1/3/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại" với mục đích phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Vụ kiện gia tăng
Theo thống kê của Cục Phòng vệ Thương mại, năm 2019 có 154 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trong số đó, chiếm số lượng nhiều nhất là các vụ việc điều tra chống bán phá giá với 87 vụ việc, chiếm 56%; tiếp theo là các vụ việc tự vệ với 33 vụ, chiếm 21%; các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá có 19 vụ việc, chiếm 13%. Cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp với 15 vụ việc, chiếm 10%.
Điển hình như Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn, pin năng lượng mặt trời, Australia điều tra chống bán phá giá với dây thép; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam…
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nếu như trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mới bị kiện thì hiện nay bất cứ hàng hóa xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại.
Đáng lưu ý, Hoa Kỳ là thị trường khó tính nhất với 30 vụ chiếm tới 19% tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam phải đối mặt. Tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ 21 vụ, chiếm 14%; Ấn Độ cũng có tới 20 vụ, chiếm 13% và EU là 14 vụ, chiếm 9%…
Cũng theo ông Lê Triệu Dũng, do có chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp nước ngoài khi quyết định dịch chuyển sản xuất.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bổ sung của nước nhập khẩu.
Lý giải về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng cho rằng nguyên nhân chủ yếu do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam.
Vì vậy, nếu không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể và còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cần nhìn nhận các biện pháp phòng vệ thương mại với các sản phẩm xuất khẩu là một xu thế khó tránh khỏi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, để hạn chế các tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp qua việc tăng cường nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và phát triển thị trường.
Ngoài ra, Bộ đã trình Chính phủ Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả để bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Các chuyên gia thương mại khẳng định: Qua thực tiễn ứng phó với các vụ việc, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường có chiến lược ứng phó bài bản và sự hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài hơn.
Một trong những vấn đề làm giảm hiệu quả của việc ứng phó với các vụ kiện nước ngoài là sự thiếu hợp tác của một số doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến các doanh nghiệp của Việt Nam bị áp mức thuế cao.
Vì thế, các chuyên gia thương mại cho rằng, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan điều tra của nước nhập khẩu trong suốt quá trình điều tra để bảo vệ lợi ích của mình.
Hơn nữa, việc xây dựng một hệ thống giám sát xu hướng xuất nhập khẩu với các nền kinh tế đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam nói riêng và các đối tác thương mại lớn khác nói chung để cảnh báo sớm, phòng ngừa rủi ro áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Do đó, hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp giám sát hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để phát hiện những trường hợp tăng trưởng nhập khẩu quá nóng, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.
Theo lộ trình của Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”, tới năm 2021 và giai đoạn tiếp theo tới năm 2025 sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, cung cấp thông tin cảnh báo trong quan hệ thương mại với 20 đối tác thương mại thường xuyên áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
Giai đoạn này cũng củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong việc cảnh báo, ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại; bồi dưỡng, đào tạo về phòng vệ thương mại cho 1.000 cán bộ, 30 hiệp hội ngành hàng và 5.000 doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tăng cường phối hợp và chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại; xây dựng các công cụ phân tích số liệu và thông tin để vận hành hệ thống cảnh báo sớm và nâng cao năng lực sử dụng hệ thống cảnh báo sớm cho các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Trước nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Tới đây, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ/ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai nghiêm túc, đầy đủ.
Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp với các bên để có cảnh báo sớm; đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng vệ thương mại nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.