Hiến kế hồi phục 'sức khỏe' cho doanh nghiệp

Thách thức lớn nhất hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp là cầu tiêu dùng vẫn yếu; dòng tiền và thủ tục hành chính giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp còn nhiều rào cản; khó tiếp cận vốn tín dụng; phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn nhiều khó khăn...

Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) xung quanh vấn đề này.

Clip Hiến kế các giải pháp hồi phục 'sức khỏe' cho doanh nghiệp:

Thưa ông, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi vay, được thực hiện bằng chính nguồn lực của các ngân hàng thương mại (NHTM), song tín dụng nền kinh tế hiện vẫn tăng thấp. Điều này đã phản ánh về khó khăn và “sức khỏe” của doanh nghiệp hạn chế, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Đúng là thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) như tăng thời hạn thêm cho các khoản vay đến hạn, hỗ trợ lãi suất; giảm các khoản vay cũ quý III, quý IV/2022; tư vấn về giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế và đối thủ cạnh tranh; tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp các DNNVV trong lĩnh vực đấu thầu tham gia các dự án của Nhà nước hoặc có vốn ngân sách đầu tư…

Hiện, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với trước, phổ biến ở mức 7,5 - 8%/năm với các khoản vay trung hạn và 8 - 10%/năm với các khoản vay ngắn hạn. Những doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, tín chấp tốt, tài sản đảm bảo tốt đều được ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn. Điều quan trọng, các doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ chuẩn chỉnh, có lịch sử thanh toán tốt, kê khai công nợ minh bạch, có đối tác uy tín, chắc chắn ngân hàng sẽ cung cấp vốn.

Tuy nhiên, hiện cũng có những doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, không có đơn hàng, nếu vay vốn mà không đảm bảo lợi nhuận, phải trả lãi vay và gốc cũng không hiệu quả. Một số doanh nghiệp muốn vay nhưng không đáp ứng được các điều kiện vay như phương án kinh doanh phải khả thi và tài sản thế chấp. Phần lớn các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn là những doanh nghiệp mới thành lập, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế và hiện chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại, nợ đến hạn.

Nguyên nhân lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm. Trong khi, phía ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay, mà vẫn phải theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.

Vậy, NHNN có những giải pháp nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó và đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, giảm nợ xấu, thưa ông?

Các doanh nghiệp mong muốn NHNN cũng như các NHTM xem xét giảm thiểu các điều kiện vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật như giảm 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản. Càng cắt giảm điều kiện cho vay, doanh nghiệp càng tiếp cận dễ dàng hơn và tổng số vốn vay được nhiều hơn; đề xuất ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay cũ từ quý III, IV/2022 đỡ gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng xem xét sửa đổi quy trình thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay; đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngân hàng cần tích cực nghiên cứu thị trường và thực hiện “may đo” sản phẩm phù hợp từng nhóm khách hàng để khách hàng tiếp cận vốn dễ hơn; tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện, tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15 - 20%, doanh nghiệp kỳ vọng muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm. Đối với các doanh nghiệp, muốn vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài... sẽ được ưu tiên.

Mấu chốt hiện nay là phải “sưởi ấm” tổng cầu, doanh nghiệp giải phóng được tồn kho mới có dòng tiền sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tham gia các chương trình kết nối, giảm giá, khuyến mại tại các địa bàn trên toàn quốc, nhất là các vùng sâu, vùng xa để kích thích tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Ông nghĩ sao về việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các giải pháp quyết liệt, nhằm tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực xã hội, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp bất động sản "dễ thở" khi một số quy định của Thông tư 06 ngưng hiệu lực?

Đúng là hiện nay các chi phí, điều kiện cản trở trong môi trường kinh doanh vẫn khiến các doanh nghiệp lao đao, đơn cử việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) kéo dài kéo theo nhiều thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị chậm hoàn thuế với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, không những không cải thiện mà còn tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp giải phóng được tồn kho mới có dòng tiền sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TTXVN

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN vừa có thông báo chính thức về việc ngưng hiệu lực thi hành một số khoản của Thông tư 06. Đây được xem là tin vui đối với cả cộng đồng doanh nghiệp địa ốc giữa lúc thị trường đang trong “cơn bĩ cực”. Bản chất những quy định trong Thông tư 06 chỉ là chưa phù hợp với giai đoạn khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản. Do đó, Thông tư số 10/2023/TT-NHNN được ban hành ngày 23/8 là động thái kịp thời từ phía Chính phủ và NHNN sau khi đã lắng nghe đầy đủ các ý kiến đóng góp. Nếu chiếu theo quy định cũ thì sẽ tồn tại nhiều rào cản lớn, ngăn cản doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư thứ cấp tiếp cận dòng vốn. Dự báo từ nay tới cuối năm, thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu mới, thu hút nhà đầu tư quay lại thị trường, tăng trưởng room về tín dụng đã được nới thêm.

Thời gian qua, nhiều người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đã có những dư luận phản ánh, văn bản kiến nghị về những bất cập trong lĩnh vực an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định mới đã đang gây ra hàng loạt bất cập, khiến hàng loạt doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã có những điều chỉnh về một số quy định bất cập, nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Các cấp, ban, ngành cũng đang tháo dần một số quy định khiến doanh nghiệp khó khăn, theo cấp độ tùy từng mô của các doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương - Lê Sơn/Báo Tin tức
Loạt chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2023
Loạt chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2023

Một loạt chính sách mới về kinh tế như quy định mới về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; Bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử; trường hợp tổ chức tín dụng không được cho va … sẽ có hiệu lực chính thức từ tháng 9/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN