Phát biểu tại chương trình làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, tỉnh Thái Nguyên có quỹ đất công nghiệp lớn với trên 6.000ha, nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, đa dạng, trong đó có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như Vonfram, than,… Đồng thời, là tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp nặng, là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim cả nước, từ đó có nhiều kinh nghiệm trong khai khoáng, sản xuất, chế biến, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong thời gian qua, tỉnh cũng còn nhiều hạn chế như sản xuất công nghiệp còn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực đầu tư nước ngoài, chiếm 92,7% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; công nghiệp gia công vẫn chiếm phần lớn; doanh nghiệp trong nước tham gia còn hạn chế, khả năng kết nối với khu vực FDI và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp giữa các khu vực chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, trung tâm các huyện, thị, gây nguy cơ gia tăng khoảng cách giàu, nghèo giữa các địa phương trong tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương cần tích cực quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhất là những chính sách mới có hiệu lực thi hành, đặc biệt là đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn; rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quy định, thủ tục, điều kiện kinh doanh không phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn, như điện gió trên bờ và gần bờ, điện rác, điện sinh khối, khai khoáng. Cùng đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh; từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó, chú trọng vào các ngành hàng công nghệ cao như điện tử, máy vi tính, thiết bị điện, công nghiệp vật liệu mới,…
Từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng vào năm 2030 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Với tỷ lệ che phủ rừng trên 46%, tỉnh cần xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành chế biến nông, lâm sản và khai thác nguyên liệu sẵn có, chú trọng hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi để giải quyết việc làm tại chỗ và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các địa phương trong tỉnh.
Theo ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, 7 tháng năm 2024 các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên đại bàn đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,1%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 45.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu hàng hoá ước đạt 17,6 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ; tổng giá trị nhập khẩu hàng hoá ước đạt 10 tỷ USD. Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có 27/41 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Về triển khai các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn, hiện nay Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia đang triển khai dự án đường dây và trạm biến áp 500kV Thái Nguyên, tỉnh đã thực hiện bố trí quỹ đất cho dự án; thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trạm biến áp 220kV Sông Công; dự án đường dây và trạm biến áp 220kV Đại Từ. Tỉnh cũng tích cực thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản trên địa bàn...