Hiệp định RCEP dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2022

Bên lề Hội nghị tham vấn giữa Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các đối tác đối thoại, tối 15/9, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh về những ưu tiên của ASEAN trong hợp tác kinh tế và nội dung thảo luận về việc phê chuẩn và dự kiến đi vào thực thi đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú (Hậu Giang). Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, xin Thứ trưởng cho biết những ưu tiên của ASEAN trong hợp tác kinh tế là gì?

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế ASEAN và thế giới, Brunei đã đưa ra chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2021 là “Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng” với 13 ưu tiên, sáng kiến hợp tác kinh tế hướng đến 3 chiến lược chính là phục hồi; số hóa và bền vững nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19.

Đáng lưu ý, chủ đề thể hiện cụ thể thông qua 13 sáng kiến hợp tác kinh tế như xây dựng Khung kinh tế tuần hoàn, xây dựng bộ công cụ đánh giá các biện pháp phi thuế quan; lộ trình thúc đẩy chuyển đổi số ASEAN…

Bên cạnh việc triển khai 13 sáng kiến về hợp tác kinh tế của ASEAN cho năm 2021 do Brunei đề xuất, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã tích cực thảo luận việc tiếp tục triển khai các sáng kiến về hợp tác kinh tế do Việt Nam đề xuất với cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Tiêu biểu như Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN; mở rộng Danh mục hàng hóa thiết yếu của ASEAN nhằm đối phó với dịch COVID-19 thực hiện Biên bản ghi nhớ về việc xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch COVID-19.

Cùng với đó, các nước ASEAN nhất trí tiếp tục duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trường đối với thương mại và đầu tư, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm đảm bảo tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu trong khu vực, củng cố mạng lưới sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng khu vực bền vững.

Mặt khác, qua đó phát huy ứng dụng công nghệ để kịp thời điều chỉnh các phương thức kinh doanh thích ứng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua đại dịch, duy trì đà tăng trưởng, đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng kinh tế vững mạnh, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) cũng là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này. Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn tình hình cập nhật về thảo luận nội dung này tại Hội nghị?

Hiệp định RCEP là một trong những thành tựu đóng góp vào thành công chung của Việt Nam trong năm 2020 trên cương vị Chủ tịch ASEAN.

Khi đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng RCEP, Việt Nam đã chủ động cùng với các nước ASEAN đưa ra các sáng kiến giúp xử lý những vấn đề tồn đọng để có thể kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra vào tháng 11.

Tiếp nối thành công đó, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế cũng như gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực, các nước ASEAN và đối tác đều mong muốn Hiệp định RCEP sớm có hiệu lực, cụ thể là vào đầu năm 2022 nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch.

Trên tinh thần đó, các nước tham gia ký kết Hiệp định RCEP đã sớm triển khai thủ tục phê chuẩn Hiệp định. Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định và nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn của mình tới Cơ quan lưu chiểu (Tổng Thư ký ASEAN).

Cho đến nay, Singapore là nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định RCEP đã phê chuẩn Hiệp định ngày 9 tháng 4 năm 2021, sau đó Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã phê chuẩn Hiệp định. Các nước ASEAN còn lại như Brunei, Campuchia, Thái Lan, Lào dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định trước tháng 11 năm nay. Ngoài ra, Indonesia, Malaysia, Philippnes dự kiến hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định cuối năm nay.

Đặc biệt, Việt Nam đang hoàn thành các bước cuối cùng và dự kiến có thể hoàn thành phê duyệt Hiệp định RCEP trước tháng 11 năm 2021. Vì vậy, nếu đến ngày 31 tháng 10 năm 2021 có đủ 6 nước ASEAN và thêm một nước đối tác nữa trong số ba nước Hàn Quốc, New Zealand và Australia hoàn thành phê chuẩn thì Hiệp định sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Uyên Hương/TTXVN (Thực hiện)
Hiệp định RCEP: Cơ hội phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt ra thế giới
Hiệp định RCEP: Cơ hội phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt ra thế giới

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là cơ hội tốt để Việt Nam đầu tư phát triển và đẩy mạnh chuỗi giá nông sản ra khu vực và thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN