Chiều ngày 15/10, chương trình “Tuần lễ bán hàng Việt” tại ba chợ Bến Thành, Tân Định, Thái Bình do UBND quận 1 và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức đã khép lại. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp, tiểu thương tham gia chương trình vẫn chưa muốn dọn hàng vì chương trình đem sự thành công ngoài mong đợi.
Hiệu quả bất ngờ
Dạo quanh các chợ Bến Thành, Thái Bình và Tân Định, hầu như người tiêu dùng và khách đến tham quan du lịch đều bất ngờ trước sự “lột xác” của chợ khi những băng rôn, tờ phướn mang dòng chữ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được quảng bá khắp nơi. Càng bất ngờ hơn, khi hầu hết các gian hàng của các tiểu thương của chợ đều có những biểu mẫu niêm yết giá các mặt hàng và ghi rõ xuất xứ nguồn gốc hàng Việt Nam. Theo đó, rất nhiều người tiêu dùng quan tâm và đón nhận hàng Việt nhiệt tình khi hàng Việt được tôn vinh trong chợ truyền thống.
Băng rôn cổ động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong chợ Bến Thành. |
Anh Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Công ty TNHH TM-SX May mặc Kim Hoàng Anh, cho hay: “Hiệu quả thật bất ngờ. Thông qua chương trình này, sản phẩm của chúng tôi đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Trung bình 1 ngày, gian hàng chúng tôi bán được khoảng 10 triệu đồng. Không chỉ thế, chúng tôi lại có cơ hội mở rộng kênh phân phối tại chợ Bến Thành, sau hai kênh phân phối tại siêu thị Citimart và Vinatex. Hiện nay, đã có hai tiểu thương trong chợ đặt hàng với số lượng lớn”.
Ông Trương Đức Vinh (Công ty Hạnh Doanh) cũng cho biết: “Từ trước đến nay, công ty chưa bán hàng ở chợ mà chỉ phân phối tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, BigC và một số siêu thị khác. Tham gia tuần lễ bán hàng Việt, công ty không đặt nặng doanh thu, mà chỉ muốn giới thiệu sản phẩm hàng Việt chất lượng tốt, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng. Thế nhưng, chương trình này đã thực sự đem lại sự thành công ngoài mong đợi khi được người tiêu dùng đón nhận”.
Thực tế, hầu hết các chợ truyền thống hiện nay đều bán các sản phẩm hàng Việt. Tuy nhiên, do các mặt hàng bày bán đều được để xen kẽ với hàng ngoại, lại không được người bán hàng nhấn mạnh các sản phẩm nào là hàng Việt nên người tiêu dùng cũng không mấy nhớ đến và quan tâm. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vài chục đến vài trăm tỉ đồng xây dựng mạng lưới bán lẻ riêng ở siêu thị, đại lý, showroom, mạng lưới nhân viên tiếp thị giao hàng… nhưng bỏ trống chợ truyền thống - chiếm đến hơn 70% thị trường bán lẻ Việt Nam. Từ đó, hàng nhập ngoại có cơ hội tăng trưởng hơn hàng nội ở kênh bán lẻ này.
Cần nhiều tuần lễ bán hàng Việt
Theo ông Đinh Hoàng Thanh, đại diện Phòng Xúc tiến thương mại của ITPC, việc tổ chức “Tuần lễ bán hàng Việt” sẽ giúp nâng cao ý thức người bán hàng tôn vinh hàng Việt; đồng thời tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tự tôn dân tộc, phát huy nhận thức trách nhiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã hàng hóa để có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, chương trình cũng là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình, mở rộng kênh phân phối và tăng tỷ trọng hàng Việt Nam được tiêu thụ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, “Tuần lễ bán hàng Việt” tập trung vào ba ngành hàng chính là hóa mỹ phẩm, may mặc và hàng gia dụng với 19 gian hàng của 19 doanh nghiệp tham gia. Đây những là ngành hàng đại diện cho những mặt hàng đang bị hàng ngoại lấn át”.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp tham gia chương trình, thời gian tổ chức “Tuần lễ bán hàng Việt” chưa “đã”, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa có cơ hội tiếp cận những thương hiệu Việt chưa bao giờ xuất hiện tại chợ truyền thống. Anh Nguyễn Văn Tâm cho hay: “Nếu chương trình tương tự như thế này tiếp tục tổ chức, tôi sẽ sẵn sàng tham gia”. Còn chị Hà Linh – ngụ tại quận 9, cho biết: “Tôi cảm thấy vui và rất tự hào khi tần số hàng Việt được “phủ” đầy trong chợ. Hy vọng, sẽ có nhiều chương trình như vậy được triển khai ở hầu hết các chợ trên địa bàn TP.HCM, giúp người Việt Nam hiểu hàng Việt Nam nhiều hơn”.
Bài và ảnh: Hải Yên