Từ lâu, huyện Vĩnh Thuận được xem là nơi phát triển vùng chuyên canh hoa màu với các đối tượng cây trồng chủ yếu là dưa leo, dưa hấu, đậu bắp, dưa lê…; trong đó, mô hình trồng dưa lê trên nền đất lúa được nông dân ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc đưa vào trồng hơn chục năm, là hướng đi hiệu quả tại vùng này.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc cho biết, loại cây này có ưu điểm dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, quả chín đều, chất lượng khá tốt nên được thương lái thu mua với giá cao. Mỗi một công dưa lê, sau khi thu hoạch thu lãi rất nhiều lần trồng lúa. Vì vậy, nhiều người dân ở đây mở rộng đầu tư diện tích đất canh tác, từng bước đưa loại dưa lê trở thành một trong những giống cây trồng chủ lực tại địa phương.
Theo ông Phạm Hùng Em, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, thấy mô hình trồng dưa lê đạt hiệu quả, Ủy ban Nhân dân xã đã khuyến khích người dân thành lập hợp tác xã để cùng nhau sản xuất ổn định. Đến nay, hợp tác xã đã có 41 hộ, với diện tích 205 ha. Mỗi một ha trung bình cho nông dân lãi từ 140 - 160 triệu đồng. Cái được của loại dưa này là sau thu hoạch tới đâu có thương lái đến tận vườn thu mua đến đó.
Theo ông Phạm Thành Danh, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, trước đây, nông dân chỉ làm hai vụ lúa là chính, sau khi thấy một số người dân địa phương trồng hiệu quả dưa lê trên nền đất lúa theo dạng “hai lúa, một màu”, gia đình ông Danh cũng làm theo. Lúc đầu vài công, đến nay đã phát triển trồng hết phần đất hơn 2 ha. Trung bình mỗi một ha gia đình thu hoạch từ 35 - 40 tấn, với giá bán hiện nay từ 6.500 - 7.000 đồng/kg, sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều so với mọi năm.
Ông Phạm Hùng Em, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Bình Minh cho biết, trước đây gia đình ông cũng chỉ loay hoay trồng hai vụ lúa trong năm, đến mùa khô hạn đất cũng để bỏ trống, nên đời sống khó khăn. Sau khi đi một số nơi thấy người dân trồng dưa hoàng kim, dưa lê hiệu quả trên nền đất lúa mùa vừa thu hoạch nên về trồng theo.
Đúng là hiệu quả ngoài mong đợi, với 5.000 m2 của gia đình, ông thuê người lên liếp, khoang giếng nước ngầm, làm đường dẫn nước ra ruộng dưa tưới. Sau thời gian khoảng hai tháng từ ngày gieo hạt sẽ cho thu hoạch. Với loại dưa lê đặc điểm ít hao hụt, dễ trồng nên cho thu hoạch ổn định, vì vậy trung bình mỗi năm cho ông Em thu về khoảng 80-90 triệu đồng/vụ.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc cho biết, trước đây nông dân đa phần còn khó khăn, từ khi chuyển sang mô hình trồng dưa lê đã vươn lên thoát nghèo và đã có nhiều hộ khá giàu.
Trong toàn ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc có 582 hộ, đến nay còn 17 hộ nghèo. Riêng 41 hộ thành viên trong Hợp tác xã (chủ yếu ở tổ 10 và một phần tổ 11) đã thoát nghèo; trong đó, nhiều hộ thu nhập từ dưa lê đã cất nhà khang trang.
Trong đó phải kể đến hộ ông Đỗ Minh Phụng, với 2,5 ha diện tích trồng dưa lê, mỗi năm cho gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng, nay đã cất nhà khang trang cả tỷ đồng ngay trong vùng quê.
Không chỉ hộ gia đình ông Phụng, ông Danh, Hùng Em… đã có nhà ở mới, mà hầu hết người dân trồng dưa lê ở đây đều đã xây dựng được nhà kiên cố, khang trang. Vì vậy, nhiều người dân địa phương ở xã vùng sâu Vĩnh Bình Bắc hay ví von ở tổ 10 là xóm “nhà giàu dưa lê”.
Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, trồng dưa lê không đòi hỏi cầu kỳ, nhưng phải đúng kỹ thuật. Trước đây, nông dân xã Vĩnh Bình Bắc cũng đã trồng, nhưng theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng kém.
Từ khi thông qua hợp tác xã, người dân được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, dần thay đổi theo phương thức trồng thưa, phủ rơm rạ kết hợp với thường xuyên bấm ngọn. Nhờ đó, hạn chế sâu hại tấn công, giảm bệnh héo xanh, giúp cây phân cành tốt cho sai trái góp phần mang lại hiệu qủa kinh tế cao cho bà con.
Từ hiệu quả đạt được, nhiều nông dân xã Vĩnh Bình Bắc đang chuyển sang trồng dưa lê; trong đó có nhiều gia đình áp dụng thành công mô hình hai vụ lúa, một vụ màu; thường xuyên họp thành viên hợp tác xã để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng; ứng dụng sản xuất theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Qua thực tế cho thấy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước thay đổi những nhận thức của nông dân trong sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, đặc biệt, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tạo ra sản phẩm và giữ cho môi trường an toàn.
Ngoài ra, luân canh màu trên nền đất lúa còn rút ngắn thời gian gieo trồng, đảm bảo lịch thời vụ, từng bước thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là ở những vùng được nhận định là bị ảnh hưởng nắng hạn và nước mặn xâm nhập như xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận.