Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ Chính phủ và các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ kỹ thuật giúp chuẩn hóa, số hóa và xây dựng quy trình chuẩn để kết nối, tích hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu theo thời gian thực giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương, nhằm cung cấp cho các cán bộ Chính phủ thông tin hữu ích, nhất quán và đầy đủ hơn.
Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về những đóng góp thời gian qua.
Dự án LinkSME được USAID tài trợ từ năm 2018 với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông có thể đánh giá đôi nét về sự hỗ trợ của Dự án trong 5 năm qua?
Dự án USAID LinkSME hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực và kết nối với nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi cung cấp hỗ trợ này thông qua hai phương thức. Đầu tiên là hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm kết nối họ với các doanh nghiệp đầu chuỗi, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp hoặc hỗ trợ họ tiếp cận các nguồn tài chính.
Phương thức hỗ trợ thứ hai mang tính gián tiếp hơn. Chúng tôi làm việc với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo nhiều kênh hiệu quả để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5 năm triển khai, nhưng có tới gần 3 năm Việt Nam bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này có tác động đến kết quả của Dự án không và cụ thể là gì, thưa ông?
Ban đầu, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến Dự án. Tuy nhiên, chúng tôi cũng giống như các tổ chức, đơn vị khác trên cả nước, đã cố gắng tìm ra các phương án giải quyết để tiếp tục triển khai các hoạt động trong điều kiện khó khăn do đại dịch gây ra.
Chúng tôi bắt đầu thấy tình hình được cải thiện khi Dự án cùng với các đối tác ứng dụng các công cụ kỹ thuật số để tương tác trực tuyến. Nhờ đó, chúng tôi có thể tổ chức các sự kiện, tập huấn ngay trong thời gian đỉnh điểm của đại dịch. Và bởi vì không bị giới hạn bởi không gian hay khoảng cách, các sự kiện tập huấn trực tuyến của chúng tôi thậm chí có thể tiếp cận với số lượng người tham gia lớn hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy số lượng phụ nữ tham gia các sự kiện, tập huấn cũng tăng lên.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi cũng bổ sung hai trụ cột mới vào hoạt động của dự án: đó là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tiếp cận tài chính. Lý do một phần khiến chúng tôi bắt đầu hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số là vì thực tế cho thấy các công ty mạnh về công nghệ thì sẽ ứng phó tốt hơn với đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, chúng tôi bắt đầu thực hiện các hoạt động hỗ trợ tiếp cận tài chính, vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã sử dụng hết dự trữ tiền mặt và chìm sâu vào nợ nần khi phải vật lộn để duy trì hoạt động trong và sau đại dịch.
Giờ đây, mặc dù đại dịch đã kết thúc, nhưng lợi ích từ các chương trình hỗ trợ này vẫn được duy trì. Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, rất nhiều doanh nghiệp đang triển khai chuyển đổi số với sự hỗ trợ của chúng tôi.
Liên quan đến các hoạt động hỗ trợ tiếp cận tài chính, chúng tôi đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa định vị tốt hơn khi thực hiện các khoản vay, đồng thời định hướng cho nhiều ngân hàng suy nghĩ lạc quan hơn về việc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn.
Theo tính toán sơ bộ gần đây, dự án USAID LinkSME đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận được các khoản vay lên đến gần 20 triệu đô la Mỹ (tương đương hơn 466 tỷ đồng). Các khoản vay này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trả nợ lãi suất cao, hiện đại hóa cơ sở vật chất và tối ưu hóa các hoạt động của doanh nghiệp.
Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy cải cách thể chế và đơn giản hóa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, Dự án USAID LinkSME đã tham gia vào việc đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI). Ông nhận thấy những năm qua các lĩnh vực được đánh giá có bước tiến ra sao?
Dự án USAID LinkSME đã hỗ trợ việc đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) trong bốn năm qua. Đây là một nghiên cứu có quy mô lớn, báo cáo APCI thường niên ghi nhận trải nghiệm của 3.000 doanh nghiệp có tương tác với Chính phủ. Báo cáo đề cập đến nhiều nhóm thủ tục hành chính, trong đó bao gồm các thủ tục hành chính về hải quan và lĩnh vực xây dựng trong vài năm qua.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến việc các cơ quan thuế đã nỗ lực áp dụng rộng rãi việc nộp hồ sơ, chứng từ thuế và thanh toán trực tuyến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều thủ tục liên quan đến các giấy phép về đất đai và môi trường vẫn còn rất phức tạp, rườm rà và không rõ ràng.
Báo cáo cũng cho thấy tình hình một số bộ, ban ngành vẫn còn phụ thuộc vào việc nộp hồ sơ giấy và làm việc trực tiếp thay vì có thể nộp hồ sơ trực tuyến để xử lý nhanh và hiệu quả hơn. Trên khắp thế giới, các chính phủ đã nhận ra rằng số hóa là cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để giảm gánh nặng pháp lý. Báo cáo APCI khuyến nghị rằng những nỗ lực này cần được đẩy mạnh hơn nữa. Tôi chắc chắn rằng các chuyên gia trên khắp thế giới cũng sẽ đồng tình với các các chuyên gia nghiên cứu APCI của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!