Tại An Giang, Chương trình OCOP sau 4 năm triển khai với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các địa phương đã có nhiều chính sách, giải pháp phù hợp phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương.
Tính đến cuối tháng 10/2023, tỉnh An Giang có 92 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp Quốc gia, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao, 72 sản phẩm đạt 3 sao.
Trong 92 sản phẩm OCOP có 66 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 22 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống và 3 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ - trang trí. Hiện toàn tỉnh đã có 62 chủ thể sản xuất - kinh doanh có sản phẩm OCOP; trong đó có 5 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 21 doanh nghiệp và 35 cơ sở sản xuất kinh doanh. Đến cuối năm 2023, An Giang phấn đấu sẽ có thêm 70 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Các sản phẩm OCOP tỉnh mang tinh túy, văn hóa đặc trưng An Giang như đường thốt nốt, khô cá lóc, tung lò mò, trà xạ đen… tạo ấn tượng đặc biệt cho các đối tác, người dân và khách du lịch. Hiện các sản phẩm OCOP An Giang đang được phân phối rộng rãi tại nhiều cửa hàng, siêu thị lớn tại An Giang như cửa hàng Antesco của Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, siêu thị Tứ Sơn (Châu Đốc), cửa hàng Nông sản an toàn Phan Nam và phân phối tại nhiều tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ...
Để hỗ trợ các doanh nghiệp An Giang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP đến với người dân, du khách trong, ngoài tỉnh, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, Trung tâm đã phối hộ với nhiều Sở, ngành đẩy mạnh tổ chức các sự kiện sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng thu hút hàng chục doanh nghiệp, chủ thể OCOP tham gia ở mỗi sự kiện. Sự kiện sản phẩm OCOP đã giúp các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, quảng bá sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng và du khách.
"Thông qua các sự kiện OCOP các doanh nghiệp sẽ có cơ hội khảo sát thị hiếu khách hàng để doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP hoàn thiện, phát triển sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP và văn hóa ẩm thực đặc trưng An Giang đến với người dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Từ các sự kiện quảng bá, hiện rất nhiều sản phẩm OCOP An Giang đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường trong và ngoài tỉnh và được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình", ông Hiếu cho biết.
Để đầu ra sản phẩm OCOP An Giang ổn định, tỉnh An Giang đã tham gia hệ thống trưng bày sản phẩm OCOP của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh, thành phố lớn. Tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua gói quà tặng, quà biếu.
Để quảng bá sản phẩm OCOP đến du khách, tỉnh cũng tập trung xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP liên quan đến du lịch nông thôn. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt danh mục mô hình thí điểm “Phát triển sản phẩm OCOP về Dịch vụ du lịch cộng đồng tại 3 xã Cù Lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang”.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, chú trọng phát triển hình thức thương mại điện tử.
Trong số đó, tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế tiếp cận với kênh bán hàng, sàn giao dịch điện tử, trang thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) nhằm tiêu thụ sản phẩm OCOP, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch gắn kết chặt chẽ trong chuỗi sản phẩm OCOP.
Theo ông Lâm, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp OCOP tham gia sự kiện xúc tiến thương mại tại các vùng kinh tế trọng điểm trong nước, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm; tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với điểm bán lẻ, siêu thị, hệ thống phân phối... An Giang sẽ lựa chọn 1 - 2 sản phẩm OCOP uy tín, đầy đủ thủ tục như mã vùng trồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế… để tham gia xúc tiến thị trường ngoài nước, hướng tới xuất khẩu sản phẩm OCOP.
Hiện An Giang đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn...
An Giang phấn đấu đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; trong đó có 10 sản phẩm 5 sao; nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Đến năm 2025, tỉnh có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại...
Đồng thời, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương.