TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh, những lĩnh vực doanh nghiệp làm chủ cần được chú trọng như: Ngành sản xuất ô tô, điện tử, ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính, chế biến nông lâm thủy sản, ngành thép… Tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam tổ chức sáng 26/5, TS Nguyễn Tú Anh cho biết: Việt Nam cần chú trọng mở rộng quy mô doanh nghiệp tư nhân, cải thiện năng suất lao động doanh nghiệp tư nhân, để tạo cú huých lớn cho doanh nghiệp cả nước.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua tương đương (PPP) là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 79% so với Indonesia…
Nếu nhìn con số này, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022.
Mặc dù vậy, số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp Nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP). GDP của Việt Nam năm 2022 theo ngang giá sức mua PPP bằng đồng USD 2017 là 1.321.694,15 triệu USD.
Theo TS Nguyễn Tú Anh, năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam bằng khoảng 30% năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore. Mặc dù vậy, năng suất lao động của Việt Nam khá thấp. Vì vậy, một trong những việc Việt Nam cần làm để tăng năng suất lao động trên góc nhìn vĩ mô là cần phải đẩy nhanh phát triển nhiều hơn nữa hệ thống doanh nnghiếpo với mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, mục tiêu quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động.
TS Nguyễn Tú Anh kiến nghị: Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như: Đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp mà tăng quy mô của doanh nghiệp, phấn đấu đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiêp đến năm 2030.
Khi tỷ trọng lao động trong doanh nghiệp tăng, năng suất lao động mới tăng nhanh và bền vững vì người lao động được chăm lo tốt hơn, người lao động cam kết lâu dài hơn, có động lực để nâng cao năng lực trình độ và tăng năng suất lao động. Do đó, Việt Nam cần có chính sách chăm lo tốt hơn cho cuộc sống người lao động bằng các chính sách nhà ở xã hội, hỗ trợ không phân biệt hộ khẩu cho con em công nhân lao động trong học tập, tiếp cận, dịch vụ y tế; nâng cao vai trò của Công đoàn để thực sự là chỗ dựa của người lao động trong việc ổn định cuộc sống nơi di cư đến; xử lý hài hòa vấn đề quan hệ lao động, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động nhưng cũng đảm bảo lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư.
Vấn đề tiền lương cũng được nhiều ý kiến đại biểu quan tâm. Thực tế, nếu tiền lương được duy trì ở mức thấp sẽ tạo hiệu ứng ngược lại, doanh nghiệp không có nhu cầu đổi mới công nghệ; người lao động không có động lực nâng cao tay nghề vì giá trị của việc nâng cao tay nghề không tương xứng. Tuy nhiên, nếu tăng tiền lương tối thiểu quá nhanh có thể làm chùn ý nhà đầu tư. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ doanh nghiệp, công đoàn và cơ quan quản lý Nhà nước để tạo ra lợi ích chung.