Hỗ trợ ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại

Trong những tháng cuối năm 2024, thị trường xuất khẩu phục hồi, đơn hàng nhiều hơn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với không ít thách thức do nhiều thị trường xuất khẩu thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại.

Những vụ điều tra này không chỉ gây gián đoạn đến chuỗi cung ứng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với không ít thách thức do nhiều thị trường xuất khẩu thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN

Gia tăng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Theo Bộ Công Thương, số vụ về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Nếu như giai đoạn 2001- 2011 chỉ có 50 vụ thì giai đoạn 2012 đến nay có tới 205 vụ phòng vệ thương mại.

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương, tính đến tháng 8/2024, biện pháp phòng vệ thương mại được các nước sử dụng nhiều nhất là chống bán phá giá với 140 vụ việc, chống trợ cấp 27 vụ việc, tự vệ 52 vụ việc, chống lẩn tránh thuế 37 vụ việc. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với khoảng 1,5 vụ điều tra liên quan đến chống bán phá giá, chống lẩn tránh xuất xứ hàng hóa và các biện pháp thuế quan. Những vụ điều tra này không chỉ gây gián đoạn đến chuỗi cung ứng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp.

"Việc tạo năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp của Việt Nam để chủ động vận dụng và ứng phó kịp thời với các vụ việc về phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ hợp lý các nhà sản xuất hàng Việt xuất khẩu"- bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cũng theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, đến nay, có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương - thị trường lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đã điều tra 1 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philippines. Tại ASEAN, 4 nước gồm Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng đã điều tra tới 48 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa đến từ Việt Nam. Đây là vấn đề lớn buộc doanh nghiệp phải nắm vững quy định tại các thị trường xuất khẩu và có biện pháp phòng ngừa rủi ro, ứng phó.

"Việc tạo năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp của Việt Nam để chủ động vận dụng và ứng phó kịp thời với các vụ việc về phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ hợp lý các nhà sản xuất hàng Việt xuất khẩu", ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, chia sẻ.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được sử dụng nhiều hơn, đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu; trong đó có Bình Dương - địa phương có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng đầu Việt Nam.

Đáng chú ý nhất là ngành chế biến và xuất khẩu gỗ được xem là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Bình Dương đang đối mặt với khó khăn do vụ kiện chống bán phá giá từ các đối thủ xuất khẩu. Đặc biệt, các vụ việc gần đây có tính chất phức tạp gia tăng, khiến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ ở Bình Dương càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Hiện tại Hiệp Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương có hơn 300 hội viên là các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước, kế hoạch đến 2025 sẽ phát triển lên 400 hội viên và thúc đẩy quan hệ hội viên liên kết với các doanh nghiệp FDI.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, " với hơn 300 doanh nghiệp, xuất khẩu gần 6 tỷ USD mỗi năm, với mức tăng trưởng 20% năm của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam thì nguy cơ liên quan đến vấn đề phòng vệ thương mại là không tránh khỏi".

Sở Công thương Bình Dương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại triển khai kịp thời, đồng bộ các hoạt động hỗ trợ ứng phó với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đồng thời, Sở cũng tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý Nhà nước. Việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu của sở giúp các doanh nghiệp xuất khẩu ổn định.

"Khi một doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì cả một ngành hàng hay hàng hóa từ một địa phương của Việt Nam sẽ cùng bị áp dụng mức thuế cao. Do đó, sự phối hợp và chủ động giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp không chỉ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính doanh nghiệp đó mà còn là trách nhiệm chung với cộng đồng doanh nghiệp" - ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Theo ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong quá trình Việt Nam xuất khẩu xi măng ra nước ngoài, kinh nghiệm thực tiễn được rút ra cho thấy việc ứng phó, xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với xi măng tại thị trường Philippines và hiện nay là Đài Loan (Trung Quốc) là vô cùng quý báu. 

Cụ thể như sớm thông tin kịp thời về việc bị khởi kiện, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại và các đơn vị khác có liên quan với Hiệp hội, doanh nghiệp. Hiểu rõ loại hàng hóa bị kiện, xác định loại hàng tương tự nếu thị trường trong nước không có đúng loại xuất khẩu. Các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia điều tra và chuẩn bị tốt để trả lời các câu hỏi điều tra.

Không được chủ quan các biện pháp phòng vệ thương mại

Theo Bộ Công Thương, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, Việt Nam đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn.

Việc đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu tại châu Á, châu Phi và châu Đại Dương không chỉ là một cơ hội lớn mà còn là thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam. Một trong những thách thức lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương, cũng như xu hướng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ tại các thị trường này.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho hay: "Bình Dương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với phòng vệ thương mại. Bình Dương đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý".

Đặc biệt, Bình Dương đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tận tình từ các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong các vụ việc phòng vệ thương mại, tiêu biểu như vụ việc Australia điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với ống thép, thép mạ nhôm kẽm (2020).  Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với gỗ dán (2020). Hoa Kỳ điều tra phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ (2022). Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp với đĩa giấy (2024); Canada điều tra, rà soát thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với ghế bọc đệm (2024) và còn nhiều vụ khác.

"Chúng ta hiểu rõ và chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm trong việc hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp hạn chế nhập khẩu với hàng hóa của ta. Qua đó, chúng ta có quyền kỳ vọng sự phát triển và tăng trưởng bền vững của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh về sự kỳ vọng này.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý gì trong vụ kiện phòng vệ thương mại?
Doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý gì trong vụ kiện phòng vệ thương mại?

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) mới từ các quốc gia nhập khẩu, đòi hỏi cần có những biện pháp ứng phó kịp thời. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN