Chính vì vậy, thời gian tới, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, hoàn thiện, đưa vào sử dụng giải pháp xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip ứng dụng chỉ số dữ liệu quốc gia về dân cư trên Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký sử dụng hiệu quả giải pháp.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6 tháng 1 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); trong đó, có việc ứng dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử vào chuỗi giá trị với hợp đồng điện tử, Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Công an để kết nối, hoàn thiện cung cấp ứng dụng định danh điện tử trên Trục Phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện Đề án 06, Trung tâm Tin học và Công nghệ số- đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng, phát triển Trục Phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam đã thường xuyên trao đổi, làm việc với Trung tâm nghiên cứu - ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) nghiên cứu, xây dựng mô hình, ký kết thỏa thuận hợp tác về việc nghiên cứu, phát triển, cung cấp sản phẩm dịch vụ ứng dụng chỉ số dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số chia sẻ, việc ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip định danh - xác thực điện tử trong hoạt động ký kết Hợp đồng điện tử đã giúp Bộ Công Thương thuận tiện hơn khi triển khai Trục Phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam trong việc hỗ trợ các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử Việt Nam định danh - xác thực điện tử chủ thể ký kết hợp đồng điện tử. Bởi, nếu như trước đây, việc sử dụng hình ảnh giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân mã vạch để thực hiện định danh xác thực điện tử gây ra nhiều hạn chế.
Chẳng hạn như đọc sai thông tin giấy tờ, khó kiểm soát giả mạo, nhất là các giả mạo tinh vi như mã vạch, mã QR vì phải yêu cầu nhân sự có chuyên môn nghiệp vụ mới có thể phát hiện giả mạo. Vì thế, với việc triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip đã giải quyết được bài toán trên.
Hơn nữa, thông tin được trích xuất từ chip và đối chiếu với dữ liệu gốc của Bộ Công an với độ chính xác 100%, khó giả mạo do thẻ căn cước công dân gắn chip có nhiều lớp bảo mật. Ngoài ra, cung cấp các biện pháp kỹ thuật cao nhằm xác thực thẻ thật giả để đảm bảo không thể giả mạo thẻ căn cước công dân gắn chip khi thực hiện định danh xác thực điện tử.
Đáng lưu ý, ứng dụng các tiện ích của căn cước công dân gắn chip hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số. Cùng đó, doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng, ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip để định danh.
Theo đại diện Trung tâm tin học và Công nghệ số, xác thực điện tử trong ký kết hợp đồng điện tử phục vụ thương mại điện tử là giải pháp tiện ích giúp người tham gia ký kết hợp đồng điện tử sau khi hoàn thiện nội dung ký sẽ phải xác minh danh tính thông qua ứng dụng chip điện tử trên thẻ căn cước công dân. Việc này nhằm đảm bảo xác minh thẻ thật và thông tin, sinh trắc học được lưu trữ trong chip điện tử.