Hội nghị thường niên ADB: Không thể tăng trưởng bằng mọi giá

Châu Á có thể trở thành một khu vực thịnh vượng vào giữa thế kỷ này, có thêm ba tỉ người dân châu Á có thể tận hưởng cuộc sống tốt hơn. Nhưng, để có được những thành tựu này thì châu Á phải duy trì được đà tăng trưởng và vượt nhiều thách thức lớn như tình trạng di dân, đô thị hóa, tham nhũng...

Tăng trưởng bền vững

Ngày 4/5, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Bản dự thảo báo cáo “Châu Á 2050 - Xây dựng một thế kỷ châu Á” trong phiên họp Hội đồng Thống đốc (thuộc Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44), gồm các bộ trưởng tài chính đến từ Bănglađét, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc và các Thứ trưởng đến từ Trung Quốc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, Chủ tịch ADB Kuroda.

Quang cảnh hội thảo chủ đề “Hướng tới tăng trưởng bền vững và thịnh vượng”. Ảnh: TTXVN


Bản dự thảo báo cáo này cũng là đề tài để các đại biểu thảo luận trong phiên họp. Theo bản dự thảo báo cáo, trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu sẽ chuyển sang khu vực châu Á, một khu vực có thể đóng góp khoảng 50% vào kết quả của thương mại và đầu tư toàn cầu vào năm 2050, (hiện nay là 27%).

Bản dự thảo báo cáo đưa ra hai kịch bản cho châu Á. Theo kịch bản lạc quan, GDP của khu vực sẽ đạt 148 ngàn tỉ, chiếm 51% sản lượng toàn cầu. GDP theo đầu người tại châu Á sẽ lên tới .600 đô la Mỹ, so với mức dự kiến trung bình năm 2050 của thế giới là 36.600 đô la Mỹ.

Kịch bản thứ hai giả định rằng những nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia và Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi mức tăng trưởng chậm lại và thu nhập của 5 hay 10 năm tới rơi vào sự trì trệ. Nếu điều này xảy ra, GDP của khu vực châu Á sẽ chỉ chiếm 32% đạt 61 ngàn tỉ đô la Mỹ so với sản lượng toàn cầu vào năm 2050. Theo cơ sở sức mua tương đương, GDP đầu người của khu vực sẽ chỉ đạt 20.300 đô la Mỹ.

Sau khi bản dự thảo được công bố, Hội đồng Thống đốc đã thảo luận trong phiên họp về những thách thức và các giải pháp cho việc thúc đẩy tăng trưởng ở châu Á.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết, châu Á không thể phát triển bằng mọi giá mà cần chú trọng tới yếu tố phát triển bền vững. Thực tế, châu Á là nguồn cung lương thực quan trọng của thế giới nhưng cả 5 nước bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu đều ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Bănglađét, Việt Nam và Nhật Bản.

Theo thống đốc Giàu, nếu nước biển dâng 1m sẽ có 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Do đó, chúng ta cần hành động ngay để tránh phải trả giá nhiều hơn trong tương lai vì sự phát triển bền vững trong một môi trường trong lành, thân thiện.

Di dân và tham nhũng

Trong hội thảo, hai vấn đề lớn là tình trạng dân số dịch chuyển ra thành phố và công tác phòng chống tham nhũng cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm và thảo luận.

Theo ông Motoyuki Odachi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, không chỉ các nước đang phát triển mà các nước phát triển cũng đang phải đổi mặt với tình trạng đô thị hóa, dân số di cư nhanh ra các thành phố lớn gây quá tải về giao thông, các phương tiện công cộng, y tế và nhiều dịch vụ khác nữa.
“Năm 2010 đánh giá một mốc quan trọng cùa Nhật Bản, tỉ lệ dân số sống ở thành phố đã vượt qua khu vực nông thôn. Dự báo, đến năm 2020 số dân Nhật sống ở thành phố sẽ chiếm tới 70% tổng dân số. Do vậy, việc phát triển, mở rộng các đô thị, đường giao thông, đường sắt…. là việc cần phải quan tâm”, ông Odachi nói.

Theo đại diện của Ấn Độ, để giải quyết vấn đề đô thị hóa nhanh, nước này cần 3.000 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thành phố trong 40 năm tới, nhưng Chính phủ chỉ đáp ứng được một nửa số đó, phần còn lại phải huy động từ các nguồn lực bên ngoài.

Do vậy, “để giảm sức ép cho các đô thị, chỉ còn cách làm cho quá trình đô thị hóa tiến hành chậm lại bằng việc giải quyết các vấn đề ở nông thôn như tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao tay nghề cho lao động ở nông thôn, đào tạo nghề cho họ, đầu tư vào giáo dục, y tế cho các vùng nông thôn…”, đại diện của Ấn Độ cho biết.

Cùng chung quan điểm trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho rằng, để giải quyết tình trạng di dân lên thành phố thì phải tạo cho người dân nông thôn có việc làm tại chỗ, tạo ra thu nhập ổn định.

Theo phát biểu của nhiều đại biểu tại Hội nghị về vấn đề tham nhũng, chỉ khi nào hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng giảm thì sức cạnh tranh của nền kinh tế mới được nâng cao.

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bănglađét, tham nhũng được chia thành hai loại, những vụ tham nhũng lớn và những nhũng nhiễu lặt vặt. Đối với những loại tham nhũng lớn thì cần giải quyết triệt để bằng pháp luật, còn đối với những loại tham nhũng lặt vặt thì giải pháp để hạn chế vấn đề này là tăng lương cho đội ngũ công chức, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến bằng công nghệ thông tin.

“Tham nhũng xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt là những nước đang phát triển. Để chống tham nhũng thì cần nâng cao quyền lực cho cơ quan tư pháp, tiến hành cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài chính công. Khi tìm ra nguyên nhân và đối tượng tham nhũng phải xử lý triệt để, nghiêm minh và đủ tính răn đe thì mới đem lại thành công”, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu nói.

Trong ngày 4/5, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của ADB đang diễn ra tại Mỹ Đình (Hà Nội), đã diễn ra các chuyên đề thảo luận, Hội nghị ba bên của các Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hội nghị Thay đổi xu hướng Phát triển toàn cầu và các nguồn đầu tư tới châu Á, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Asean +3, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính trong Hiệp hội Nam Á, Hội nghị Cùng hợp tác hướng tới sự điều chỉnh và ổn định nền tài chính… Hôm nay (5/5), Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á chính thức khai mạc. Ngoài ra, các hội thảo: Sự gia tăng các nhà đầu tư vào châu Á: Nguyên nhân và sự thay đổi; Hội nghị bàn tròn các thống đốc; Hội nghị ASEAN: đẩy nhanh khả năng kết nối; Hội nghị: Vai trò của nền kinh tế tư nhân trong đẩy mạnh hội nhập khu vực… cũng được tổ chức.



Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN