Tại hội nghị, bà Thân Thị Hương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Nam cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai tín dụng chính sách; quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2014 đến 30/6/2019, nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 116 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho gần 120.360 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; giúp trên 25.800 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho gần 6.900 lao động; trên 18.700 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; sửa chữa, nâng cấp trên 100 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây mới 509 căn nhà cho hộ nghèo, 58 hộ gia đình người có công…
Đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn đạt gần 1.860 tỷ đồng, tăng 550 tỷ đồng so với năm 2014. Tổng dư nợ đạt 1.852 tỷ đồng với 51.850 hộ còn dư nợ, tăng 559 tỷ đồng so với năm 2014; trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Liên Hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên là 1.848 tỷ đồng, chiếm 99,79% tổng dư nợ của Chi nhánh Ngân hàng xã hội tỉnh Hà Nam.
Tuy nhiên, tại Hà Nam vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các đối tượng; thời hạn cho vay tối đa của chương trình thấp; tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Chỉ thị còn hạn chế…
Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế; tiếp tục bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; giảm dần sự trông chờ, lệ thuộc vào trợ cấp của nhà nước… chuyển dần hướng sang thực hiện vay tín dụng ưu đãi…
Ông Trương Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND Hà Nam đánh giá, đây là chính sách nhân văn, khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến các hộ nghèo, an sinh xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân, sự gắn kết toàn đảng, toàn dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục triển khai tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 40; ban hành các văn bản triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn.
UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền khắc phục những tồn tại, khó khăn, sâu sát trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, tập trung nguồn vốn chính sách bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Nam thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội; biểu dương các mô hình vay vốn hiệu quả, kinh doanh điển hình... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên của hộ nghèo và đối tượng chính sách…
Nhân dịp này, 11 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40 đã được UBND tỉnh Hà Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam khen thưởng.