Cụ thể, về quản lý tàu cá, tất cả đều nằm dưới mức hạn ngạch cho phép theo quy định. Tuy nhiên, số tàu cá thuộc diện đăng ký, quản lý cấp phép còn thấp so với thực tế. Số tàu cá đăng kiểm chỉ đạt 79,5%. Còn 20,5% chưa đăng kiểm do nhiều tàu cá còn đi đánh bắt trên biển, chưa vào đăng kiểm.
Tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá tăng từ 60% năm 2022 lên 72,4%. Còn lại 27,6% là xuồng hoạt động đi về trong ngày, tàu rời khỏi địa phương chưa làm thủ tục sang tên, tàu hư hỏng, bị chìm, bị bắt, tàu cải hoán phục vụ nuôi trồng thủy sản... Tỷ lệ tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tăng từ 92,37% lên 96,24%.
Các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp đồng bộ với các lực lượng chức năng trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển) trong trao đổi thông tin, điều tra, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm IUU. Đặc biệt, trong 2 vụ việc tháo, gửi thiết bị giám sát hành trình, tỉnh đã xử phạt 27 đối tượng/45 tàu cá, với tổng số tiền đã nộp phạt hơn 3,6 tỷ đồng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng và Kiểm ngư cũng tăng cường kiểm tra, xử phạt chủ tàu về các hành vi không ghi, nộp nhật ký khai thác.
Về kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu các cảng cá tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục sai sót, lỗi theo chỉ đạo của Đoàn kiểm tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra vào đợt kiểm tra tháng 4/2022.
Các cảng cá thu nhật ký khai thác, thu mua của tàu cá, kiểm tra thông tin sản lượng, vùng hoạt động ghi trong nhật ký khai thác thủy sản đối chiếu trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá của Tổng cục Thủy sản (thời gian, hành trình khai thác, tọa độ khai thác). Các cảng cá khi phát hiện tàu cá có hành vi vi phạm IUU đã thông báo cho lực lượng chức năng để phối hợp xử lý.
Tuy nhiên, công tác tổ chức quản lý hoạt động tại các cảng cá hiện theo nhiều hình thức khác nhau, không có sự đồng bộ, thống nhất theo mô hình chung, dẫn đến hiệu quả điều hành quản lý chưa cao. Một số cảng cá quy mô nhỏ thuộc doanh nghiệp tư nhân chưa bố trí đủ nhân lực để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, kiểm tra tàu cá rời cảng, chưa thực hiện tốt yêu cầu quản lý theo quy định của Luật Thủy sản và IUU.
Trước những tồn tại trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh đã yêu cầu các đơn vị rà soát lại các tàu nằm bờ, nếu hư hỏng nặng sẽ thanh lý, tàu nào đi biển phải bảo đảm quy định IUU mới cấp phép cho ra khơi đánh bắt. Các tàu đã bán, chủ tàu rời khỏi địa phương mà chưa làm thủ tục sang tên thì thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và 28 tỉnh, thành có biển.
Nếu các chủ tàu này không ra đăng ký thì xóa tên, không thuộc quản lý của tỉnh. Các tàu nhỏ, xuồng, xỏng đánh bắt gần bờ, vùng lộng đi về trong ngày không cần đăng ký nhưng địa phương nên đánh dấu, cấp số hiệu riêng để dễ quản lý. Tỉnh sẽ cấp kinh phí để địa phương mở các lớp tập huấn cho ngư dân các thủ tục, quy trình đăng ký.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị và yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu chưa đạt để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC. Nếu ngư dân có nhu cầu, tỉnh sẽ mở các lớp đào tạo về thuyền trưởng, máy trưởng và hoạt động khai thác đánh bắt trên biển. Các đơn vị, địa phương tự rà soát, khắc phục, đề xuất giải pháp và có báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trước ngày 30/6. Sở sẽ hoàn thiện báo cáo gửi UBND tỉnh trước ngày 5/7 và tỉnh sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra sau đó.