Để có thể giải quyết những vấn đề trên, Việt Nam cần nâng cao mức độ minh bạch trong quản lý tài nguyên khoáng sản từ cấp phép, giám sát khai thác đến quản lý nguồn thu theo nội dung Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) - một trong những tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài nguyên thiên nhiên.
Nguyên tắc của EITI là công khai những thông tin cơ bản liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản gồm 7 nội dung chính: Cấp phép; dữ liệu sản xuất; doanh nghiệp Nhà nước, các nguồn thu chính, nguồn thu địa phương, quản lý nguồn thu và tác động của xã hội (Ủy ban EITI quốc tế, 2013). Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, EITI đã hỗ trợ nâng cao hiệu quả thu ngân sách và thúc đẩy cải cách chính sách lĩnh vực khoáng sản.
Hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản (cát xây dựng) trên sông Vàm Cỏ Đông (đoạn tỉnh Tây Ninh) Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Tiếp cận “sớm” nhưng xem xét “chậm”
Từ năm 2005, Việt Nam đã tiếp cận EITI. Chính phủ chỉ định Bộ Công Thương làm cơ quan đầu mối xem xét thực thi. Nhưng sau hơn 10 năm, Việt Nam vẫn chưa có kết luận rõ ràng về việc tham gia EITI, dù nhu cầu cải cách trong lĩnh vực khoáng sản là rất cấp bách. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này? Tại phiên họp báo Chính phủ tháng 7/2015, đại diện Bộ Công Thương cho rằng vẫn cần thêm thời gian để làm rõ khả năng đáp ứng của hệ thống thống kê và năng lực thực thi.
Các thông tin theo yêu cầu của EITI hiện nay chủ yếu do Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Việc thực hiện các báo cáo 6 nội dung về cấp phép, dữ liệu sản xuất, doanh nghiệp Nhà nước, các nguồn thu chính, nguồn thu địa phương, quản lý nguồn thu và tác động của xã hội không gặp phải những rào cản lớn về mặt kỹ thuật. Thách thức mà Việt Nam cũng như các quốc gia khác có thể gặp phải là thực hiện nội dung báo cáo về các nguồn thu chính.
Trong đó, thách thức lớn nhất là tách riêng phần thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động khai thác khoáng sản. Nhiều khái niệm như trị giá sản xuất chưa thống nhất giữa các địa phương dẫn đến sự sai lệch trong báo cáo. Đồng thời, đặc thù của ngành khai khoáng Việt Nam là sử dụng nhiều lao động thời vụ, việc thu thập thông tin về xã hội hiện nay gặp một số khó khăn do thông tin chưa được vào hệ thống thống kê và cách hiểu về khái niệm này chưa thống nhất. Trên thực tế, việc thực hiện các nội dung của điều 5 Luật Khoáng sản và Quyết định 219/1999/QQĐ-TTg còn rất hạn chế.
Theo Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Khảo sát của VCCI từ năm 2011-2014 cho thấy: các doanh nghiệp khai khoáng đang phải chi trả chi phí không chính thức cao và bị nhiều đoàn thanh kiểm tra đến “thăm” nhiều hơn mức trung bình của các doanh nghiệp khác.
53% doanh nghiệp khoáng sản phải chi trả trên 2% tổng thu nhập cho chi phí không chính thức, trong khi các doanh nghiệp khác chỉ chiếm 41%. Hơn nữa các doanh nghiệp khai khoáng thường có quy mô vốn và doanh thu lớn hơn so với các doanh nghiệp khác. Vấn đề không minh bạch cũng đặt áp lực không chỉ cho doanh nghiệp mà cho chính cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Tài nguyên và Môi trường, tạo điều kiện cho tham nhũng.
Hơn nữa, các hành vi như xâm hại môi trường, khai thác trái phép và xuất khẩu trái phép đang diễn ra phổ biến ở các địa phương. Đặc biệt xâm hại môi trường là nguyên nhân của rất nhiều vụ xung đột ở các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản. Riêng hoạt động khai thác than ở Quảng Ninh phát sinh 4,6 tỷ m3 đất đá thải hàng năm, dẫn tới khi trận lũ vào cuối tháng 7 năm 2015 có tới 26 người chết, gây thiệt hại 2.500 tỷ đồng.
Mặt khác, lĩnh vực khoáng sản hiện được quản lý bởi nhiều bộ, ngành gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính. Tuy vậy, việc chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các bộ, ngành rất lỏng lẻo, làm giảm hiệu quả quản lý chung.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, quá trình xem xét thực thi EITI của Việt Nam có thể coi là rất chậm so với các quốc gia khác trên thế giới, cần được minh bạch và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan. Do vậy, Bộ Công thương nên thành lập nhóm công tác có sự tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức xã hội để thúc đẩy thực thi EITI.
EITI - xu thế mới cho ngành khai khoáng
Hiện nay, tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang bị khai thác lãng phí, vẫn bị xuất khẩu lậu, ngân sách thất thu; pháp luật về khoáng sản vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Hơn nữa, các hành vi như xâm hại môi trường, khai thác trái phép và xuất khẩu trái phép đang diễn ra phổ biến ở các địa phương.
Do vậy, thực thi EITI sẽ tạo ra cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ về lĩnh vực khoáng sản từ cấp phép, quản trị doanh nghiệp Nhà nước, khối lượng sản xuất, đóng góp ngân sách đến các tác động kinh tế xã hội. Bộ cơ sở dữ liệu này sẽ rất hữu ích trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, các chính sách cũng như xác định các cơ hội cải cách ngành khoáng sản.
Thực thi EITI giúp cung cấp nhiều thông tin trung thực, đầy đủ về hoạt động khoáng sản của các quốc gia, từ đó mang lại nhiều ích lợi, đặc biệt giúp Nhà nước kiểm soát tốt hơn hoạt động khai thác khoáng sản, giảm thất thoát, chống xuất khẩu lậu, tăng thu cho ngân sách.
EITI tạo ra cơ chế đối thoại hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và góp phần làm giảm các nguy cơ xung đột xã hội ở các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản. Người dân, các tổ chức xã hội hiện nay có vai trò giám sát bên cạnh Nhà nước và báo chí, do đó EITI cho phép họ tiếp cận thông tin và giảm gánh nặng cho Nhà nước.
EITI giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro khi khai thác khoáng sản, giảm chi phí không chính thức, tăng cường uy tín và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thị trường của các nước phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực hiện EITI giúp tăng cường trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp nơi có mỏ khoáng sản, từ đó tạo thêm việc làm cho lao động trong nước, góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
EITI giúp tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo lập niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút đầu tư một cách ổn định, lâu dài vào các dự án chế biến sâu khoáng sản, đáp ứng mục tiêu quản trị tài nguyên quốc gia. EITI đang trở thành tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị công nghiệp khai khoáng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện đã có 51 quốc gia thực thi EITI, với 305 báo cáo EITI cấp quốc gia được công bố với tổng giá trị dòng tiền lên đến 1.900 tỷ USD. Đồng thời, EITI cho phép các quốc gia lựa chọn quy mô doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin.
Kinh nghiệm tham gia EITI của nhiều quốc gia đang phát triển cho thấy, trong những năm đầu, các quốc gia này chỉ yêu cầu một số lượng rất ít các doanh nghiệp lớn phải thực hiện theo mẫu báo cáo, sau đó mở rộng ra các doanh nghiệp cấp trung bình trong các năm tiếp theo.
Để cải cách ngành công nghiệp khai khoáng và thể hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế, Chính phủ cần nhanh chóng tuyên bố thực thi EITI, đưa ra thời hạn cụ thể cho việc xem xét thực thi EITI của Bộ Công thương, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tìm hiểu để chuẩn bị cho EITI.
Việt Nam có thể lựa chọn thực thi EITI theo từng bước, từng giai đoạn, phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách và giải quyết nhiều bất cập khác của ngành khai khoáng.