Theo đó, tiến độ thực hiện các công việc có liên quan để hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi và ĐTM (đánh giá tác động môi trường) của dự án thời gian qua là rất chậm. Trong khi thời gian thực hiện dự án không còn nhiều, cuối năm 2025 phải hoàn thành. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban Quản lý dự án) và các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc có liên quan để hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ ĐTM của dự án để trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án khẩn trương rà soát xây dựng lại Bảng tiến độ triển khai thực hiện dự án khoa học, phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện; trên tinh thần phải tập trung nỗ lực, phấn đầu hoàn thành dự án theo đúng thời gian quy định và đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật. Những hạng mục công việc nào có thể triển khai song song thì khẩn trương triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; lấy ý kiến của các sở, ngành có liên quan để hoàn thiện Bảng tiến độ.
Ban Quản lý dự án khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn để hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án trình Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/3/2024. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hồ sơ của dự án để UBND tỉnh làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Nam khảo sát vị trí khu vực dự kiến bố trí đất sản xuất cho 5 hộ dân có đất bị thu hồi trong lòng hồ (không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên để giải quyết đất tái định canh).
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan triển khai thực hiện vị trí di dời Dinh Cậu, nhận khoán bảo vệ rừng, xây dựng một số hạng mục công trình phục vụ cho hành hương, lễ nghi…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc Chi cục Kiểm lâm sớm xây dựng tiến độ, rà soát các thủ tục có liên quan đến rừng, tận dụng lâm sản, trồng rừng thay thế; hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác tận dụng lâm sản để Ban Quản lý dự án cập nhật vào tiến độ thực hiện dự án; nghiên cứu phương án trồng rừng thay thế trên diện tích đất của các công ty lâm nghiệp để đề xuất UBND tỉnh giải quyết, đảm bảo phù hợp theo quy định pháp luật.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thành lập Tổ công tác để rà soát kết quả kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng do Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lập để Ban Quản lý dự án làm cơ sở tính toán diện tích trồng rừng thay thế.
Đối với 5 hộ có đất bị thu hồi trong lòng hồ, UBND huyện Hàm Thuận Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra khu vực đã đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng ở vị trí đối diện Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam để đề xuất phương án giải quyết phù hợp theo quy định. Trường hợp không có quỹ đất, UBND huyện làm việc với các hộ dân để thống nhất việc bồi thường đất ở địa phương lân cận hoặc chi trả tiền đền bù theo đúng quy định hiện hành.
Hồ Ka Pét được đưa vào quy hoạch thủy lợi từ năm 1995, tuy nhiên do không bố trí được nguồn vốn nên đến năm 2015 tỉnh Bình Thuận mới bắt đầu xin các thủ tục. Năm 2023, dự án hồ Ka Pét được Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư với dung tích là 51,21 triệu m3. Diện tích đất sử dụng của dự án là 697,73 ha với tổng mức đầu tư hơn 874 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hồ Ka Pét có ý nghĩa rất lớn với tỉnh bởi có thể cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô khoảng 2,63 triệu m3/năm cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Đồng thời, phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh...
Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia và cũng là mong muốn của lãnh đạo và người dân tỉnh Bình Thuận từ hơn 20 năm qua. Công trình hoàn thành, nhân dân trong vùng sẽ hưởng lợi, không còn lo lắng hàng năm cứ đến mùa khô không đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.