Khát vọng nông nghiệp công nghệ cao

Phá bỏ những rào cản, cởi trói cho ruộng đồng, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chính là phương cách duy nhất để ĐBSCL trở thành một vùng sản xuất nông nghiệp lớn và trù phú.

Những dấu hiệu tích cực

Những năm gần đây, Đảng và nhà nước đã có những quyết sách đúng đắn về tam nông, sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2013 với những yếu tố quan trọng để mở đường cho việc tích tụ ruộng đất làm nông nghiệp, từng bước thoát khỏi cách tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 là “bệ phóng” cho tất cả các thành phần kinh tế, xã hội từ trung ương đến địa phương tham gia trong quá trình tái cơ cấu ngành; đẩy mạnh phát triển đối tác công tư và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Bò của HAGL được nuôi hệ thống trang trại với quy trình tự động và khép kín.


Đến nay, đề án đã được triển khai dưới sự hỗ trợ các chính sách, trong đó có Nghị định 210/2013/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mở ra cơ hội cho nền nông nghiệp Việt Nam thu hút vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nội thất, khu công nghiệp, sản xuất sắt thép... đã nhanh nhạy trong việc chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp, với nhiều sản phẩm nông sản như: mía, lúa gạo, nuôi bò sữa... biến nông nghiệp trở thành kênh đầu tư quan trọng thay cho những lĩnh vực nói trên đang có dấu hiệu ngưng trệ, bão hòa.

Đó chính là những tín hiệu đáng mừng cho nông dân, trong đó có nông dân của vùng ĐBSCL. Bởi, từ vai trò “nhạc trưởng” của nhà nước, tiềm lực mạnh mẽ, sự nhanh nhạy của doanh nghiệp sẽ giúp người nông dân dần thoát khỏi “ngành nông nghiệp giá rẻ”, sản xuất ra những sản phẩm người tiêu dùng cần, nâng cao mức sống. Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thấy được vấn đề “sản xuất nông nghiệp lớn cần quỹ đất lớn” đã tự tích tụ ruộng đất lên đến hàng trăm ha. Như hai mô hình tích tụ ruộng đất tự phát theo dòng tộc gia đình tại tỉnh Đồng Tháp gồm xã Phú Cường, huyện Tam Nông với quy mô 80 ha và xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười quy mô 100 ha là ví dụ. Có thể nói, đó là những dấu hiệu của sự thay đổi tích cực của nông nghiệp, nông dân vùng ĐBSCL mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cần một mô hình nông nghiệp quy mô

Trước đây, khi Chính phủ chưa có hoặc chưa rõ ràng những quyết sách quan trọng trong nông nghiệp nói trên, có doanh nghiệp đã nhanh nhạy chọn hướng đầu tư ra nước ngoài để tìm lợi thế cạnh tranh theo hướng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị. Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), cho biết: Về chính sách đầu tư ở ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam đều tương đồng nhưng điều khác biệt giữa Việt Nam và hai nước bạn chính là quỹ đất. “Không chỉ vùng ĐBSCL, mà nhiều vùng khác trên cả nước quỹ đất không đủ để chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, ông Sơn nói.

Với con số hơn 100.000 ha liền vùng, trong đó tập trung tại hai nước Lào và Campuchia, đầu tư vào các ngành nông nghiệp như: cao su, mía đường, cọ dầu, bắp và nuôi bò, ở từng ngành nông nghiệp, tập đoàn này đủ điều kiện thuận lợi để tổ chức mô hình sản xuất với quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ.

Điều đáng nói là khả năng kết nối các chuỗi giá trị của ngành trồng trọt và chăn nuôi với nhau để tăng lợi thế. Các sản phụ phẩm của ngành trồng trọt như cây bắp, bã mía, mật rỉ đường, bẹ lá cọ dầu, bã cọ dầu là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho bò. Nhờ vậy, chi phí chăn nuôi bò sẽ rất thấp. Bên cạnh đó, nguồn phân bò có thể tạo ra khí đốt để chạy nhà máy điện. Nguồn điện này sẽ được sử dụng để vận hành hệ thống tưới cây và thắp sáng, vận hành thiết bị phục vụ chăn nuôi. 5 trang trại của HAGL tính đến thời điểm hiện tại đã đạt số lượng gần 50.000 con bò được chăn nuôi trong một trang trại hiện đại với các quy trình đều tự động và khép kín. Cũng như mía, cọ dầu, trong khâu trồng cỏ cũng được HAGL áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, giúp cỏ phát triển quanh năm, năng suất cao, chi phí thấp. HAGL tin rằng với cách tổ chức sản xuất nói trên, sẽ cung cấp bò thịt với giá rất cạnh tranh khoảng 3,5 USD/kg trong thời gian tới.

Với những bước đi của ngành nông nghiệp hiện nay, cùng với nhận thức của người nông dân ở vùng ĐBSCL về sản xuất lớn đã dần thay đổi, chúng ta còn có những doanh nhiệp trong nước có đủ năng lực tài chính, thì khát vọng thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL lớn và trù phú, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao sẽ sớm trở thành hiện thực.

Như vậy, vai trò của Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kết nối hai nhân tố “doanh nghiệp - nông dân” ở vùng ĐBSCL đang được đòi hỏi hơn lúc nào hết. Để làm điều đó, nhà nước cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh các giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thông huyết mạch giao thông, cung cấp đất sạch, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp đất... giảm và miễn tối đa các phí, thuế có liên quan cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là những giải pháp quan trọng.
Anh Đức
Triển khai mô hình đối tác công tư
Triển khai mô hình đối tác công tư

Đóng góp 20% vào GDP cả nước và được cho là có tiềm năng lớn, nhưng ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn phát triển thiếu bền vững, tăng trưởng chậm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN