Tuy nhiên, thực tế kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách thành phố giai đoạn này bố trí cho các dự án thuộc Chương trình chỉ đáp ứng khoảng 27% so với nhu cầu dự kiến, trong khi nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức đối tác công tư PPP chỉ đạt 13% dự kiến. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Vốn đầu tư quá thấp
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn đầu tư cho 172 dự án là 323.997 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách thành phố cho 120 dự án với nguồn vốn 46.573 tỷ đồng (chiếm 14%); nguồn vốn ODA cho 6 dự án với nhu cầu vốn 73.223 tỷ đồng (chiếm 23%); nguồn vốn theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho 40 dự án là 126.005 tỷ đồng (chiếm 39%); nguồn vốn Trung ương 6 dự án với nhu cầu 78.197 tỷ đồng (chiếm 24%).
Thời gian qua, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu Phú Hữu trên đường Vành đai Đông; đường Phạm Văn Đồng; nâng cấp, mở rộng đường Trần Não; đường vào cảng Phú Hữu; cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; cầu vượt thép Ngã 6 Gò Vấp; hầm chui nút giao thông An Sương; hầm chui Mỹ Thủy; nút giao thông Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… Các công trình đưa vào sử dụng góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực cửa ngõ thành phố…
Tuy nhiên, kết quả giám sát của HĐND Tp. Hồ Chí Minh về tiến độ và hiệu quả đầu tư các công trình giao thông trọng điểm cho thấy, trong tổng số 172 dự án giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã hoàn thành 37 dự án (tỷ lệ 21,51%); chưa thực hiện 70 dự án (chiếm 40,7%); đang dừng thi công 65 dự án. Riêng giai đoạn 2018 - 2020, đã hoàn thành 14/85 dự án theo kế hoạch; chưa thực hiện 46/85 dự án và đang dừng thi công 25/85 dự án.
Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn ngân sách thành phố đã bố trí cho 120 dự án với số vốn là 12.4822/46.573 tỷ đồng (đạt 27%); nguồn vốn ngoài ngân sách được kỳ vọng rất lớn nhưng thực tế phần vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức đối tác công tư PPP với 13/40 dự án triển khai, ước đạt được khoảng 16.996 tỷ đồng (chỉ đạt 13% so với nhu cầu).
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả thực hiện khá thấp, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách thành phố giao cho các công trình thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (chỉ tính cho các công trình thuộc quản lý của Sở Giao thông Vận tải), bình quân khoảng 3.500 tỷ đồng. Do vậy, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắt dẫn đến tiến độ triển khai các dự án chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo số liệu báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong năm 2016, vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình Giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông là gần 4.558 tỷ đồng, thực tế chỉ có 1.807 tỷ đồng cho các công trình thuộc giai đoạn 2016 - 2020, phần còn lại bố trí cho các công trình thuộc giai đoạn 2011 - 2015.
Đến năm 2017, vốn ngân sách thành phố bố trí cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông là 10.181 tỷ đồng, trong đó các dự án thuộc Chương trình là 8.755 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ có 4.334 tỷ đồng cho các công trình giai đoạn 2016 - 2020.
Đánh giá hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, ngoài việc khả năng cân đối vốn đầu tư cho các dự án, tiến độ triển khai cũng là vấn đề cần phải xem xét, vì quyết định việc đầu tư có mang lại hiệu quả hay không, khi thực hiện một dự án kéo dài.
Theo quy định, đối với dự án nhóm B không quá 5 năm, nhóm A không quá 8 năm, nhưng thực tế có rất nhiều dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách có thời gian triển khai gấp đôi, thậm chí gấp ba vì công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Với nguyên nhân này, không chỉ các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố mà các dự án sử dụng các nguồn vốn khác cũng không thể triển khai đúng tiến độ ban đầu.
Đầu tư các công trình ưu tiên
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, khả năng huy động vốn và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến Thành phố chưa có hệ thống đường vành đai hoàn chỉnh, chưa đầu tư mở rộng các tuyến Quốc lộ, các nút giao thông quan trọng, các tuyến đường trục chính nội đô.
Về nguồn theo hình thức đối tác công tư PPP, thời gian qua việc triển khai thu hút vốn đầu tư cho các dự án chủ yếu thông qua các hình thức hợp đồng BOT, BT nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017, không thực hiện đầu tư theo hình thức BOT trên các tuyến đường hiện hữu. Vì vậy, các dự án dự kiến đầu tư theo hình thức BOT cần phải nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư phù hợp khác như dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22, Quốc lộ 1 đoạn phía Nam thành phố, với tổng giá trị đầu tư hơn 12.200 tỷ đồng.
UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi linh hoạt một số dự án có tính chất quan trọng sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố nhằm tháo dỡ khó khăn cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện của các dự án.
TP Hồ Chí Minh cũng đang nghiên cứu, hoàn thiện Đề án tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố giai đoạn 2021 - 2030, báo cáo và kiến nghị Trung ương chấp thuận nhằm tăng nguồn thu hàng năm của thành phố, phục vụ chi cho đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ. Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý đối với việc thực hiện dự án theo hình thức PPP để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã trình UBND TP Hồ Chí Minh Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn đến năm 2030, trong đó tổng kinh phí dự kiến đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn này khoảng 952.547 tỷ đồng. Đề án xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức độ ưu tiên đầu tư đối với các dự án ngành giao thông (trên cơ sở quy hoạch, mô phỏng dự báo tình hình giao thông…).
Cụ thể, Thành phố sẽ ưu tiên tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư các dự án như khép kín Vành đai 2, Vành đai 3, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (metro số 1, 2, 3B, 5), đường trên cao số 1 và số 5, các tuyến quốc lộ; các công trình hạ tầng giao thông kết nối khu vực Càng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước…; một số nút giao thông trọng điểm, các tuyến cửa ngõ thành phố.