Khởi động Dự án Tăng cường năng lực sản xuất lúa phát thải thấp và bền vững ở Đông Nam Á

Ngày 9/10, tại thành phố Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo khởi động dự án Tăng cường năng lực sản xuất lúa phát thải thấp và bền vững ở Đông Nam Á (gọi tắt là CABIN). Dự án nhằm thúc đẩy quản lý rơm rạ ở khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2024 - 2028, hướng đến một nền nông nghiệp phát thải thấp và phát triển bền vững trong tương lai.

Chú thích ảnh
Trong giai đoạn 4 năm, Dự án CABIN tập trung vào quản lý rơm rạ, phát thải thấp và bền vững trong canh tác lúa. 

Sản xuất lúa gạo là ngành hàng quan trọng đối với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo cũng là ngành hàng gây phát thải cao, đặc biệt là trong quản lý rơm rạ. Nếu không quản lý bền vững, ngành lúa gạo sẽ đe dọa môi trường, giảm đa dạng sinh học, tác động tiêu cực biến đổi khí hậu.

Dự án CABIN được triển khai tại 5 quốc gia khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines) do Quỹ hợp tác phát triển quốc tế Đài Loan (Trung Quốc) - Taiwan ICDF - tài trợ. Điều này sẽ giúp mở ra khởi đầu mới trong sản xuất lúa gạo bền vững trong khu vực Đông Nam Á.

Trong giai đoạn 4 năm, Dự án CABIN tập trung vào quản lý rơm rạ, phát thải thấp và bền vững trong canh tác lúa. Theo đó, các chuyên gia sẽ cùng nhau xây dựng kế hoạch và chiến lược hằng năm chuyển đổi sản xuất lúa bền vững và phát thải thấp ở các quốc gia; xây dựng tài liệu đào tạo về canh tác lúa bền vững và phát thải thấp phù hợp từng quy mô; nâng cao kiến thức và áp dụng sản xuất lúa bền vững, phát thải thấp thông qua đào tạo, trình diễn đồng ruộng và chuyển giao công nghệ.

Theo ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa), để ngành hàng lúa gạo trở nên bền vững hơn là nhiệm vụ quan trọng của các quốc gia Đông Nam Á. Các nước cần nhanh chóng chuyển đổi thực hành không bền vững trong canh tác lúa sang những cách thức sản xuất bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng chống chịu, tăng năng suất, chất lượng lúa của nông dân.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia IRRI cho biết, hằng năm, có khoảng 150 triệu tấn rơm rạ từ sản xuất lúa của 5 quốc gia thuộc Dự án CABIN, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng rơm rạ toàn cầu. 

Trong sản xuất lúa có 3 lĩnh vực cần tăng cường hơn nữa để thúc đẩy tính bền vững, kinh tế tuần hoàn, đồng thời giảm phát thải trong sản xuất lúa, đó là quản lý chặt chẽ sử dụng phân bón, sử dụng nước và quản lý rơm rạ. Sự hỗ trợ tài chính của Taiwan ICDF và kỹ thuật của IRRI,... là những đóng góp quan trọng trong quản lý nước, rơm rạ và phân bón cho sản xuất lúa ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, dự án CABIN sẽ tận dụng Đề án Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp) để triển khai thực hiện.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) ước tính, tổng sản lượng rơm từ canh tác lúa mỗi năm của 5 quốc gia thuộc dự án CABIN là khoảng 150 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng rơm toàn cầu. Hằng năm, Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa, xấp xỉ 43 triệu tấn rơm. Riêng đối với Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, mỗi năm có khoảng 24 triệu tấn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Vì vậy, sử dụng nguồn rơm này như thế nào là điều cần phải quan tâm.

"Ở Việt Nam, việc quản lý rơm rạ gặp nhiều trở ngại từ người nông dân sản xuất lúa, hợp tác xã, chính sách, tổ chức sản xuất... Ngoài xử lý rơm rạ bằng yếu tố kỹ thuật để mang lại hiệu quả thì cũng cần sự tham gia của chính phủ, doanh nghiệp để xử lý hiệu quả rơm rạ", ông Lê Thanh Tùng nhận định.

Chú thích ảnh
Theo đại diện Taiwan ICDF, Dự án CABIN sẽ giúp mở ra khởi đầu mới trong sản xuất lúa gạo bền vững trong khu vực Đông Nam Á. 

Đại diện Taiwan ICDF, ông Ming Hong Yen, Giám đốc Phòng Hợp tác kỹ thuật cam kết chung tay nỗ lực tăng cường phát triển lúa gạo bền vững, tăng cường sinh kế, thu nhập cho nông dân ở các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Ming Hong Yen cho rằng, khi Dự án CAIBIN khởi động với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới được triển khai ở những hecta lúa nhỏ bền vững sẽ là khởi đầu để tiến đến lộ trình sản xuất lúa bền vững, phát thải thấp, nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; đóng góp tăng trưởng cho đất nước, thu nhập cho người dân ở các quốc gia.

Tin, ảnh: Thu Hiền (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh phát triển vùng sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ
TP Hồ Chí Minh phát triển vùng sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 5.000 ha diện tích canh tác lúa, tập trung ở các huyện ngoại thành. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang phát triển và hình thành vùng sản xuất lúa, gạo ST25 hữu cơ, nhằm giúp nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân, với quy mô ban đầu là hơn 220 ha tại huyện Bình Chánh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN