Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam; đồng thời, đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã thông tin về điểm khác biệt của Sáng kiến mới với các Sáng kiến trong 8 giai đoạn trước và nêu các thành tựu cụ thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
Qua 20 năm, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã hoàn thành 8 giai đoạn, với tổng số 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục trong Kế hoạch hành động hai bên thực hiện, có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng và từ các quốc gia trên thế giới nói chung.
Ông Fujimoto Masayoshi, Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại và kỳ vọng vào tương lai; trong đó, ví dụ về một số dự án của doanh nghiệp Nhật Bản được thúc đẩy thành công nhờ kết quả triển khai Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong quá khứ.
Cùng với đó, ông Yamada Junichi, Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thông tin về khả năng phát triển hợp tác Nhật Bản – Việt Nam thông qua vốn ODA.
Tính lũy kế đến ngày 20/2/2024, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 5.288 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 74,3 tỷ USD, đóng vai trò to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam Riêng 2 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản đạt 422,4 triệu USD, tăng 290% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu rất khả quan cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Lần này, hai bên lựa chọn những nội dung có tính chiến lược, gắn với những vấn đề lớn đang được đặt ra; đồng thời, yêu cầu phải có kết quả đầu ra cụ thể để ứng dụng vào thực tế. Theo đó, giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm 5 nhóm vấn đề chính: Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á, chuyển đổi xanh (AZEC/ GX); thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực IT, AI, chất bán dẫn); cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.
Hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới dự kiến là 19 tháng (từ tháng 3/2024 đến tháng 10/2025); trong đó, dự kiến có một cuộc họp đánh giá giữa kỳ (vào khoảng tháng 12 năm 2024) và một cuộc họp cấp cao để đánh giá kết quả của việc thực hiện giai đoạn 1 mới vào khoảng tháng 10/2025.
Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1 nhằm, đạt được những mục tiêu cụ thể đã đề ra, hướng tới sự thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tham gia cuộc họp phía Việt Nam có đại diện các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao. Phía Nhật Bản có Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (KEIDANREN), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC)...