Trước đó, qua phản ánh của ngư dân, hiện tượng cá chết được phát hiện từ 3 giờ sáng, ngày 17/10/2019 tại cửa kênh Tam Bản, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), với nhiều loài cá tự nhiên sống ở biển như: Cá bống, cá đục, cá sơn, cá suốt, cá hường bạc, cá đuối, tôm, cua… Cùng trong thời gian này, ngư dân nuôi cá lồng bè khu vực Hòn Tre, huyện đảo Kiên Hải cá cũng bị chết hàng loạt, với 14 hộ nuôi bị thiệt hại, ước tính ban đầu khoảng 18 tấn cá nuôi.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang chưa tìm ra nguyên nhân gây thủy sản chết. Đối với vùng nước khu vực có thủy sản chết chưa xác định được nguyên nhân vì vùng nước bị xáo trộn do nguồn nước thủy triều lên và nước trong kênh rạch đổ ra. Kết quả phân tích các chỉ tiêu tại những vị trí chưa tìm thấy sự liên quan của hiện tượng hải sản chết với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xung quanh trong khu vực.
Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan tiếp tục truy tìm nguyên nhân thủy sản chết, đồng thời phối hợp với các địa phương ven biển, nhất là những khu vực có thủy sản chết theo dõi chặt chẽ hiện tượng bất thường này để kịp thời phát hiện ứng phó, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Đối với ngư dân nuôi cá lồng bè trên biển, ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang khuyến cáo: Tổ chức nuôi cá trên biển đúng theo quy hoạch của địa phương, đặt lồng bè nuôi đúng vị trí, số lượng và bảo vệ môi trường. Đơn vị chức năng cùng cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ngư dân nuôi cá giám sát chặt chẽ môi trường nước khu vực nuôi, thường xuyên theo dõi sức khỏe cá, các yếu tố môi trường, kịp thời phát hiện những hiện tượng bất thường của môi trường nước và có biện pháp ứng phó thích hợp.
Đơn vị chức năng cùng cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn nông dân chọn con giống nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch, kích cỡ đồng đều, cá khỏe mạnh, sử dụng thức ăn có bổ sung vitamin, khoáng vi lượng để tăng sức đề kháng của cá. Ngư dân thường xuyên vệ sinh lưới lồng, vùng nuôi để loại bỏ các chất thải, sinh vật bám, tăng lưu lượng trao đổi nước, giảm mật độ vi khuẩn trong lồng bè nuôi, tăng cường các biện pháp phòng, điều trị bệnh “đúng cách” khi cá nhiễm bệnh, xử lý và phòng tránh lây lan, ô nhiễm môi trường nước khi có cá chết.