Phát biểu trên kênh truyền hình Publika, Bộ trưởng Parlikov nhấn mạnh: “Các hợp đồng đã được ký kết trong một thời hạn nhất định, nhưng chắc chắn sẽ cần được xem xét, suy nghĩ lại. Vấn đề này không chỉ thuộc thẩm quyền của Bộ Năng lượng, đây là vấn đề phức tạp. Cần tính đến quan hệ với khu vực Transnistrian". Tuy nhiên, ông không đưa ra thêm chi tiết.
Trong chính phủ của cựu Thủ tướng Natalia Gavrilitsa, người đã từ chức vào tuần trước, các vấn đề về năng lượng thuộc thẩm quyền của Bộ Cơ sở hạ tầng và Phát triển khu vực, đứng đầu là Bộ trưởng Andrei Spinu. Ông Spinu đảm nhận chức vụ này hồi tháng 7/2021 và đến tháng 10 cùng năm, ông đàm phán với Gazprom để gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt. Sau khi giá nhiên liệu ở Moldova tăng hơn 7 lần trong một năm rưỡi, các đảng đối lập đã đổ lỗi cho ông Spinu chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng năng lượng.
Moldova đang đối mặt khủng hoảng năng lượng. Là nước gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, nên việc Moskva giảm 50% lượng khí đốt vận chuyển trong tháng 11/2022 đã khiến nước này gặp nhiều khó khăn về nguồn cung khí đốt. Khó khăn càng thêm chồng chất với nguồn cung điện đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ của Moldova từ Ukraine cũng hoàn toàn không còn, trong khi 70% nguồn cung điện còn lại của Moldova là từ nhà máy nhiệt điện ở Transnistria.