Địa phương đã xác định các chủng loại trái cây đặc sản, có lợi thế cạnh tranh và nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao của tỉnh là xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, …
Xoài cát Hòa Lộc được xem là một trong những giống cây ăn quả đặc sản có một không hai của miệt vườn huyện Cái Bè. Giống xoài cát Hòa Lộc được trồng đầu tiên tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường (xưa), nay là xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, thời gian vào khoảng năm 1930. Thổ nhưỡng vùng đất này đã tạo nên hương vị thơm, ngon, ngọt rất đặc biệt của trái xoài cát Hòa Lộc mà không nơi nào có được dù trồng đúng giống xoài này.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa, hiện nay, Tiền Giang có khoảng 1.500 ha xoài cát Hòa Lộc cho sản lượng mỗi năm vào khoảng 15.000 tấn quả. Xoài cát Hòa Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Khu vực chỉ dẫn địa lý duy trì loại sản phẩm xoài cát Hòa Lộc thuộc địa bàn 13 xã của huyện Cái Bè, bao gồm: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Hậu Thành và Mỹ Lợi A.
Để khuyếch trương thương hiệu trái cây đặc sản này, tỉnh Tiền Giang đã thành lập Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc tại vùng chuyên canh xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Hiện tại, hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc có 114 xã viên với trên ha diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc chuyên canh, sản lượng xoài cho thu hoạch hàng năm gần 700 tấn cung ứng thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, nâng cao giá trị cây ăn quả đặc sản. Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang Dương Văn Bon, tỉnh đã triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện xoài cát Hòa Lộc, vùng Hòa Hưng, huyện Cái Bè gắn với du lịch sinh thái.
Chương trình bao gồm nhiều nội dung điều tra xã hội học, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất các chính sách hỗ trợ nông dân trong vùng triển khai tại huyện Cái Bè. Song song đó, phát triển mô hình sinh thái vườn xoài cát Hòa Lộc kết hợp với du lịch văn hóa làng nghề truyền thống, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hòa Lộc cho sản phẩm xoài cát, hỗ trợ quảng bá sản phẩm…
Ngoài ra, còn phát triển bền vững các mô hình áp dụng GlobalGAP; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất và chất lượng xoài cát Hòa Lộc theo hướng GAP, tiến tới xây dựng vườn cây đầu dòng và nhân giống xoài cát Hòa Lộc cũng như nghiên cứu chuyển giao công nghệ bảo quản và chế biến một số sản phẩm có tiềm năng thương mại cao từ trái xoài cát Hòa Lộc…
Theo ông Dương Văn Bon, thông qua chương trình, địa phương hiện đã giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật canh tác như trồng, chăm sóc, bón phân, xử lý ra hoa, thu hoạch, bảo quản, quản lý sâu bệnh gây hại, trẻ hóa 30 ha vườn xoài già…
Đồng thời, nhân 15.000 cây giống theo tiêu chuẩn 10-TCN 473-2001 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phuc vụ xây dựng mô hình trồng mới 20 ha xoài cát Hòa Lộc theo hướng GlobalGAP, chứng nhận 23 ha đạt tiêu chí GlobalGAP với 33 hộ chuyên canh; chứng nhận cây đầu dòng và xây dựng vườn qui mô 200 cây xoài đầu dòng qua kiểm tra bằng kỹ thuật điện di protein xác định chính xác là giống xoài cát Hòa Lộc để phục vụ mục tiêu nhân giống mở rộng vùng chuyên canh. Qua đó, thiết thực nâng cao chất lượng trái xoài cát Hòa Lộc tham gia thị trường xuất khẩu.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, hiệu quả mang lại là góp phần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác xoài của nông dân địa phương, giải quyết lao động và tăng thêm thu nhập cho nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc. Nhờ hình thành Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc và sản xuất theo tiêu chí GAP, giá nông sản hàng hóa bán ra ổn định và cao hơn thị trường từ 10% đến 15% so với trước đây.
Trong nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường cho trái xoài cát Hòa Lộc, ngoài việc được chấp nhận xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ mang lại sự phấn khởi chung cho người trồng xoài, vừa qua, tỉnh Tiền Giang cũng đã hợp tác với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa trái xoài cát Hòa Lộc lên phục vụ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đánh giá, đây là kênh quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại hiệu quả cho sản phẩm trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đặc biệt là trái xoài cát Hòa Lộc đối với khách hàng trong nước và quốc tế, kích cầu tiêu dùng, góp phần tạo tiền đề hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ nông đặc sản hàng hóa địa phương. Từ đó, đưa thương hiệu xoài cát Hòa Lộc Tiền Giang thăng hoa.